Vẻ đẹp văn học rất gần với... toán học
Chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands - 1 trong 10 thành tựu khoa học tiêu biểu của năm 2009 do tạp chí Times bình chọn, được trao Huy chương Fields năm 2010, được Tổng thống Pháp trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh… - có quá nhiều điều để nói về giáo sư Ngô Bảo Châu, người đã phát biểu khi nhận giải “Nobel Toán học”: “Ðến một lúc nào đó, bạn làm toán vì bạn thích chứ không phải để chứng tỏ một cái gì nữa”.
![]() |
Giáo sư Ngô Bảo Châu ký tặng học sinh Trường Duy Tân và Trường Lương Văn Chánh - Ảnh:PHƯƠNG TRÀ |
Không chỉ mê đắm toán học, giáo sư Ngô Bảo Châu còn yêu văn học, thích đọc, viết và dịch sách. Người ta ví toán và văn như hai vector ngược chiều nhau, một bên đi từ cụ thể đến trừu tượng, một bên đi từ những gì xa xôi nhất để rồi trở về với điều nhân bản nhất: thân phận con người. Toán học và văn học đều là những vẻ đẹp trong nồng nàn hơi thở đời sống và làm cho giáo sư Ngô Bảo Châu say mê.
Cùng với Nguyễn Phương Văn, nhà toán học Ngô Bảo Châu viết tiểu thuyết Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình - tác phẩm tạo tiếng vang lớn trong năm 2012, ngay sau khi ra mắt. Giống như giáo sư Hoàng Quý - người viết quyểnLãng mạn toán học để các bạn trẻ “mở ra con đường mới cho riêng mình, ở những miền đất lạ, chưa ai khai phá…”, giáo sư Ngô Bảo Châu viết cuốn sách này để truyền niềm đam mê toán học qua “nhịp cầu” văn chương. Trong Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, vẻ đẹp của toán và văn đã hòa làm một.
Trong chuyến đi ngắn đến Phú Yên, bên cạnh những cuộc gặp gỡ, giao lưu với giáo viên và học sinh, nhà toán học Ngô Bảo Châu đã có cuộc trò chuyện thú vị với phóng viên Báo Phú Yên về văn học, về tủ sách “Cánh cửa mở rộng” do ông và nhà văn Phan Việt phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ thành lập. Dường như vị giáo sư danh tiếng này luôn hứng khởi khi nói về sách.
* Có một tiến sĩ toán học trẻ tuổi người Phú Yên nói rằng: Toán học là một vẻ đẹp, và văn học là một vẻ đẹp khác. Giáo sư là nhà toán học song đã có một tác phẩm văn học thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Vẻ đẹp của văn học, đối với giáo sư, là gì?
- Tôi thấy vẻ đẹp của văn học rất gần với toán học. Trong cuộc sống, khi chúng ta cảm nhận được những điều gì đó qua quan sát, trải nghiệm của mình, của người thân, bạn bè và diễn đạt bằng ngôn từ một cách chính xác, cô đọng nhất, đó là lúc vẻ đẹp của văn học gần nhất với vẻ đẹp của toán học. Tuy nhiên, nếu toán học “đánh” vào tư duy lý trí thì văn học “đánh” vào sự rung động của tâm hồn.
* Về mặt cảm xúc, một tác phẩm văn học với một quyển sách toán học khác nhau như thế nào, theo giáo sư?
- Về mặt cảm xúc, toán học có gì đó hơi giống với tôn giáo, rất ít thôi, khi mình ngộ ra một điều gì đó. Qua một quá trình khá là khó khăn, trắc trở, bỗng nhiên có một ngày nào đó mọi sự sáng rõ ra. Giống như khi ta đi vào một căn phòng tối, ta dùng tay để sờ vào các vật thể và có cảm giác tương đối về vị trí từng đồ vật trong căn phòng. Bỗng một ngày khi ánh sáng bật lên, mọi thứ chúng ta đã biết một phần lập tức hiện ra rõ ràng. Chúng ta ngộ ra những điều mà chúng ta đã cảm thấy trước đó. Cảm xúc giống như cảm xúc thiền là vậy.
Còn văn học, có lẽ ít khi mang đến cảm xúc đột ngột như vậy. Đó là một quá trình đánh thức tiềm thức khi chúng ta đọc một tác phẩm. Chúng ta rung cảm khi đọc tác phẩm văn học, tôi nghĩ do tác phẩm đó đánh thức, làm rung động, gợi lại những ký ức trong tiềm thức nào đó của chúng ta. Đó là một quá trình hơn là một khoảnh khắc.
* Được biết giáo sư từng thử dịch quyển “Khởi sinh của cô độc” của Paul Auster. Vì sao một nhà toán học vô cùng bận rộn như giáo sư lại yêu thích những tác phẩm văn học và thích cả việc dịch sách?
- Tôi rất thích đọc và thích viết, cả việc dịch sách nữa. Tất nhiên tôi không có thời gian nên chỉ dịch thử một chương trong quyển sách đó. Thứ hai, tôi muốn dịch để luyện tập khả năng viết tiếng Việt của mình tốt hơn. Lâu lâu mình không viết thì khi viết cũng vụng về hơn.
* Hơn 2 năm trước, giáo sư và nhà văn Phan Việt phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ lập tủ sách “Cánh cửa mở rộng”. Giáo sư kỳ vọng điều gì ở “cánh cửa” đó?
- Mục đích của chúng tôi khi xây dựng tủ sách “Cánh cửa mở rộng” là đem đến cho người đọc những tác phẩm giàu tính nhân văn trong kho tàng văn học thế giới, triết học và cả một số sách về khoa học thường thức. Ý nghĩa cơ bản nhất của tủ sách là tinh thần khai sáng. Mặt khác, chúng tôi cũng cố gắng chọn những quyển sách gần gũi với tâm tư, cảm xúc của người đọc chứ không đơn thuần là truyền đạt kiến thức.
Điều thứ hai mà chúng tôi cố gắng là đem đến cho người đọc sự cảm thụ tinh tế hơn, hy vọng là như vậy. Có những sự thật có lẽ khác với điều chúng ta vẫn nghĩ, đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn những cái hiển hiện trước mắt mỗi người.
* Xin cảm ơn giáo sư!
Nhà toán học Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, là con của Giáo sư - tiến sĩ khoa học Ngô Huy Cẩn và Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, cháu ngoại của cụ Trần Lưu Hân - người mở trường tư thục đầu tiên ở Hà Nội. Ông thông minh và say mê môn Toán từ nhỏ, là người Việt Nam đầu tiên đoạt 2 huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế (năm 1988 và 1989). Ngô Bảo Châu thi đậu vào Trường cao cấp Paris - ngôi trường danh giá nhất nước Pháp và ở tuổi 25, ông đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Năm 1998, Ngô Bảo Châu trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Năm 2004, ông trở thành giáo sư Toán học tại Trường đại học Paris XI. Cũng trong năm đó, cùng với giáo sư Toán học tài ba người Pháp Gérard Laumon, ông được trao giải Clay của Viện Toán học Clay - một trong những giải thưởng uy tín về toán học vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita. Năm 2005, ở tuổi 33, ông được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam đặc cách phong giáo sư, là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được phong học hàm giáo sư.
Năm 2008, ông công bố chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands trong một công trình dài gần 200 trang và các nhà toán học hàng đầu trên thế giới phải mất hơn một năm để kiểm chứng. Không chỉ bận rộn với công việc giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ và Pháp, nhà toán học Ngô Bảo Châu còn là Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán của Việt Nam và có nhiều đóng góp cho toán học nước nhà. |
Theo PHƯƠNG TRÀ/ Phú Yên online