Vẫn tồn tại quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật
Thời gian qua, rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quy định về quảng cáo đã bị “bêu tên” trên trang web của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế để cảnh bảo đến người tiêu dùng, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Nhiều quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, khiến nhiều người mua và sử dụng sản phẩm không hiệu quả, tiền mất tật mang, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, khiến dư luận bức xúc.
Bàn về câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay: “Theo quy định của pháp luật, với thực phẩm chức năng, các đơn vị chỉ được quảng cáo những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Song thực tế, nhiều đơn vị lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo thực phẩm chức năng. Điều này là vi phạm pháp luật, cần được xử lý”.
TS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cung cấp thêm thông tin: Những vi phạm thường gặp gồm: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sỹ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm như thuốc, thần dược; Quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; Quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm; Quảng cáo trên mạng xã hội sử dụng ca sĩ, diễn viên, người của công chúng để quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm…
“285 trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã bị xử lý trong năm qua. Ngoài việc xử phạt hành chính, chúng tôi cũng đã liên tục đăng cảnh báo trên website vfa.gov.vn (336 bài cảnh báo). Mặt khác, chúng tôi đã chuyển Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý 483 đường link (139 link trên Facebook, 6 link Youtube). Sau đó, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử đã cung cấp thông tin chủ thể 29 website vi phạm quảng cáo, trong đó có chủ thể là cá nhân, công ty phần mềm, có tên miền ẩn giấu thông tin chủ thể, có tên miền chưa cấp phát sử dụng. Ngoài ra, chúng tôi đã chuyển Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xem xét xử lý 89 website sàn thương mại điện tử. Năm 2021, cơ quan chức năng đã xử lý, yêu cầu rà soát và gỡ bỏ 79 gian hàng với 107 sản phẩm vi phạm; năm 2022 xử lý 1.145 gian hàng vi phạm”, TS. Trần Việt Nga cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Trần Việt Nga, quá trình xử lý vi phạm có một số thuận lợi như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tương đối đầy đủ và chặt chẽ; Ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân về cơ bản đã được nâng cao; Các báo lớn, đài Trung ương nhìn chung đã tuân thủ tốt quy định về quảng cáo thực phẩm; Đã có sự phối hợp giữa các cơ quan y tế và cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trong quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, khó khăn, tồn tại cũng vẫn còn khá nhiều. Chẳng hạn, vi phạm tại các website, mạng xã hội đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm, không có cơ sở để xử lý vi phạm; Sự phát triển công nghệ số khiến mọi người có thể dễ dàng tạo các clip, video sử dụng hình ảnh các cơ sở y tế, bác sỹ, hình ảnh Đài truyền hình Việt Nam, các báo lớn, hoặc sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh; Nhân lực của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế về số lượng và năng lực…
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cần tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm, công khai những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Bộ Y tế cần chỉnh sửa Nghị định số 15/2018 quy định chặt chẽ hơn điều kiện để đăng ký bản công bố sản phẩm, ví dụ chỉ để nhà sản xuất đứng ra đăng ký bản công bố sản phẩm.
Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử; các công ty bán hàng đa cấp.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần xử lý theo thẩm quyền các cơ quan phát hành quảng cáo vi phạm; rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về quảng cáo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo vi phạm.
Cục An ninh mạng - Bộ Công an cần kiểm tra xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quy định chặt chẽ hơn về việc cấp, đăng ký giấy phép kinh doanh.
UBND các cấp cần chỉ đạo các báo, đài truyền hình, truyền thanh địa phương thực hiện nghiêm quy định về quảng cáo; Chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương, sở y tế, ban quản lý an toàn thực phẩm, sở thông tin và truyền thông, sở công thương xử lý và công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Về phía các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo, cần chỉ đạo các đơn vị phát hành quảng cáo thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quảng cáo.
Các đơn vị phát hành quảng cáo cần chủ động, có trách nhiệm kiểm tra mẫu quảng cáo tại trang: http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/, https://nghidinh15.vfa.gov.vn/, Kiên quyết không nhận những mẫu quảng cáo chưa được thẩm định nội dung.
Xuân Bách