VAFI: Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có vụ lợi?
Sau khi “khui” ra việc bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vào các chức danh của các doanh nghiệp nhà nước, ngày 19/07/2016, Hiệp hội Các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lại tiếp tục lên tiếng truy trách nhiệm của cá nhân ông Hoàng trong công tác quản lý vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, ông Vũ Huy Hoàng đã phạm 5 sai lầm chính trong công tác quản lý vốn.
Sai lầm trong bổ nhiệm cán bộ
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Bộ Công thương quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao.
Nhìn vào việc bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT tại 3 tổng công Sabeco, Habeco, Vinataba thì thấy, thành tích quản trị doanh nghiệp của Chủ tịch Habeco, Vinataba hết sức nghèo nàn, họ không phải là những người thành công và đi lên từ Habeco, Vinataba. Với Chủ tịch Sabeco là ông Phan Đăng Tuất, hầu như không có kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp. Hành vi bổ nhiệm này là sai Luật Doanh nghiệp và Luật quản lý vốn nhà nước.
“Vấn đề đặt ra là tại sao Bộ Công thương không có phương án bổ nhiệm TGĐ Sabeco? Chẳng lẽ Sabeco không còn ai có thể đảm đương vị trí TGĐ để đến mức phải bổ nhiệm 1 người không có kinh nghiệm quản trị làm TGĐ? Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp,” ông Nguyễn Hoàng Hải kiến nghị.
![]() |
Ông Vũ Huy Hoàng (trái) trao Quyết định bổ nhiệm ông Phan Đăng Tuất làm Chủ tịch Sabeco. |
Trong khi đó, các tập đoàn lớn như Petro Viet nam, EVN, TKV đều không sốt sắng với định hướng cổ phần hóa cả tập đoàn. Suất đầu tư trong lĩnh vực điện, dầu khí, than khoáng sản là rất cao so với lĩnh vực tư nhân. Bộ máy quản lý cồng kềnh, các đơn vị trên chưa thực sự hoạt động theo mô hình Tập đoàn mà thực chất chỉ là những đơn vị quản lý hành chính ở cấp trung gian. Tổng công ty Thép, Tâp đoàn Hóa Chất, TKV ở vào vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia.
Chậm bàn giao DN cho SCIC
Ông Hải cáo buộc 9 ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng đã luôn trì hoãn việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về cho SCIC quản lý, điển hình là Sabeco và Habeco.
Mặc dù SCIC vẫn còn nhiều yếu kém trong công tác quản lý cổ phần nhà nước, tuy nhiên năng lực quản lý vốn của SCIC còn hơn năng lực quản lý vốn của Bộ ngành địa phương, thể hiện qua việc thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết cũng như SCIC không “liều” như Bộ Công thương trong việc bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp.
“Tại sao cựu Bộ trưởng cứ thích quản lý những doanh nghiệp không còn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ mình ? Nếu tình trạng này không được khắc phục sẽ là thách thức cho sự thành công của việc ra đời Ủy Ban quản lý doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Chính phủ,” ông Hải kiến nghị.
Doanh nghiệp trốn niêm yết
Trước khi ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng, thị trường chứng khoán liên tục đón nhận nhiều hàng hóa chất lượng được bán bớt cổ phần nhà nước và IPO như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong, Đạm Phú Mỹ, Khoan Dầu khí….Tuy nhiên đến thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex, nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa trực thuộc các tập đoàn …không chịu niêm yết.
“Sabeco và Habeco là điển hình của việc tìm mọi cách trốn tránh niêm yết, không thực hiện chỉ thị của Chính phủ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, chắc phải nhiều lần nghe Thủ tướng nói về việc thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết nhưng tại sao cựu Bộ trưởng không chấp hành lệnh của cấp trên, không triển khai thúc đẩy việc niêm yết nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ. Bộ trưởng mà không quan tâm đến việc thúc đẩy sự minh bạch thì cấp dưới cũng không thực hiện hoặc như Sabeco có nói rằng họ không có quyền cho doanh nghiệp niêm yết,” ông Hải bức xúc.
Phong trào cổ phần hóa trì trệ
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, dưới thời ông Hoàng, phong trào cổ phần hóa đi xuống và trở nên trì trệ. Thậm chí, Bộ Công thương là Bộ nắm nhiều doanh nghiệp ở vị thế kinh doanh thuận lợi, nhưng phong trào cổ phần hóa trong nhiệm kỳ 2010- 2015 còn thua xa Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Vũ Huy Hoàng có vụ lợi?
VAFI từng đặt câu hỏi ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng được điều về Cục Xúc tiến thương mại để làm gì khi chắc chắn không phải vì muốn tiến thân theo con đường thuần túy là công chức nhà nước. Thực tế đã chứng minh khi ông Vũ Quang Hải chỉ ở đơn vị này 1 năm rồi về Sabeco.
Với vai trò là Phó GĐ Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu tại Cục Xúc tiến Thương mại, Vũ Quang Hải còn được ưu ái và được bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam. VAFI cáo buộc việc bổ nhiệm này hoàn toàn phi lý, sai Luật và cũng mang tính vụ lợi.
Theo Điểm 1e Điều 3 quy định về tiêu chuẩn điều kiện bổ nhiệm thành viên Ban kiểm soát (Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 1/8/2011 quy định việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu) thì việc bổ nhiệm Kiểm soát viên phải tuân thủ qui định tại Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2005 và các qui định khác của pháp luật.
Tại điểm 1b Điều 122 Luật DN 2005 qui định: “Thành viên Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ , mẹ nuôi, con, con nuôi, anh,chị, em ruột của thành viên HĐQT, giám đốc hoặc TGĐ và người quản lý khác.
Để làm được thành viên Ban Kiểm soát tại các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, ngoài việc bằng cấp về tài chính thì còn đòi hỏi Kiểm soát viên phải ít nhất có kinh nghiệm quản lý vốn và tài sản nhà nước trong 3 năm.
Từ phân tích trên, VAFI khẳng định rằng ông Vũ Quang Hải không đủ tư cách làm Kiểm soát viên tại Vinataba và không thể có chức Phó Vụ trưởng. Việc bổ nhiệm chức Phó Vụ trưởng cho ông Vũ Quang Hải cũng là hành vi mang tính chất vụ lợi và bị pháp luật nghiêm cấm .