Unicef khuyến cáo những nguy cơ rủi ro của trẻ trên không gian mạng
Trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay dành nhiều thời gian hơn trên mạng ngoài những lợi ích thì môi trường mạng cũng chứa rất nhiều rủi ro.
Không gian mạng giúp trẻ được kết nối, giảm bớt tác động của Covid-19 lên trẻ và khuyến khích trẻ tiếp tục nhịp sống quen thuộc, nhưng nó cũng mang đến những rủi ro và nguy hiểm.
Theo các chuyên gia của Unifef những rủi ro trên môi trường mạng trẻ em có thể đối diện đó là:
Thứ nhất, kẻ xấu nhắm đến trẻ cho mục đích tình dục thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, chơi game và nhắn tin
Thứ hai, nội dung độc hại - bạo lực, thành kiến, bài ngoại, kích động tự tử và tự làm hại, thông tin sai lệch, v.v.
Thứ ba, trẻ em nhất là lứa tuổi "teen" có thể chia sẻ các thông tin cá nhân và các hình ảnh hoặc video mang tính nhạy cảm của bản thân trên mạng
Ảnh minh họa. |
Thứ tư, bị bắt nạt trên mạng bởi bạn bè quen và người lạ
Để hạn chế những ảnh hưởng của trẻ em trên không gian mạng, các phụ huynh cũng có thể thao tác những mẹo công nghệ giúp cha mẹ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng:
Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ
Bật tính năng Tìm kiếm An toàn trên trình duyệt
Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến
Che/tắt webcam khi không sử dụng
Tạo lập thói quen trực tuyến lành mạnh và an toàn
Khuyến khích trẻ nhỏ hoặc trẻ lứa tuổi "teen" tham gia vào việc xây dựng các quy định trong gia đình về việc sử dụng thiết bị lành mạnh
Tạo lập các khoảng không gian và thời gian không-có-thiết-bị trong nhà (thời gian ăn, ngủ, chơi và học)
Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân, đặc biệt với người lạ - một số họ có thể mang vỏ bọc khác!
Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video)
Dành thời gian với trẻ trên mạng
Cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng
Nói chuyện với trẻ đặc biệt trẻ lứa tuổi "teen" về cách báo cáo những nội dung không phù hợp (xem dưới đây)
Cha mẹ có thể tham khảo trang "Common Sense Media" với nhiều lời khuyên hữu ích về các ứng dụng, trò chơi và giải trí phù hợp cho trẻ ở nhiều độ tuổi
Việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn. Phụ huynh có thể nói với con rằng nếu trẻ có trải nghiệm trên mạng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi, trẻ có thể nói chuyện với bố mẹ mà không sợ bố mẹ sẽ nổi giận hay phạt trẻ
Hãy chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ. Lưu ý nếu con có biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật hoặc bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến. Tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên tích cực. Lưu ý rằng mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau. Bố mẹ cần điều chỉnh thông điệp phù hợp với nhu cầu và đặc điểm riêng của con mình. Ví dụ, đối với trẻ khuyết tật về khả năng học tập có thể cần các thông tin với ngôn ngữ đơn giản.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhằm triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Ngoài các quy tắc chung, trong Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ quy tắc ứng xử cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Với trẻ em, cần chú ý 5 quy tắc. Cụ thể là: Tìm hiểu các biện pháp an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội và chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm; cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin; không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, không làm quen, gặp gỡ với người lạ qua không gian mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ; không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác; chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên không gian mạng...
K.Chi