Ukraine tìm ra cách thức đối phó máy bay không người lái của Nga
Máy bay không người lái kamikaze của Nga “Geran-2” gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, và gần đây đã phá hủy các kho vũ khí phía sau phòng tuyến của nước này. Các hệ thống phòng không hiện có của Ukraine không có khả năng đối phó với “Geran-2”.
Trong bối cảnh đó, các đơn vị Lực lượng vũ trang Ukraine và Vệ binh Quốc gia bắt đầu phát minh ra nhiều vũ khí khác nhau để tiêu diệt máy bay không người lái của Nga.
Một trong những hệ thống phòng không này được lắp ráp bởi các quân nhân của Vệ binh Quốc gia đóng tại vùng Nikolaev. Theo đó, họ lắp 2 súng máy PKT sản xuất trong nước và trang bị một ống ngắm phòng không. Để cơ động, nó được đặt ở phía sau của một chiếc xe bán tải và giờ đây khẩu súng phòng không di động này đang 'truy đuổi' các máy bay không người lái của Nga trên khắp các thảo nguyên của vùng Nikolaev.
Được biết, đơn vị được trang bị vũ khí này được cho là đã phá hủy 3 máy bay không người lái “Geran-2” kamikaze, hay còn gọi là Shahed-136 của Iran. Lực lượng, phương tiện phòng không của Bộ Tư lệnh Phòng không miền Nam khu vực Mykolaiv đã tiêu diệt 3 máy bay không người lái của Nga.
Theo một số báo cáo, Geran-2 là phiên bản nội địa hóa của UAV Shahed-136 do Iran sản xuất. Shahed-136 hay Geran-2 là loại vũ khí chính xác, cỡ nhỏ, có thể xuyên thủng hệ thống phòng không khi được phóng đi hàng loạt và hơn hết, có giá thành rất rẻ. Shahed-136 có thể hoàn thành nhiệm vụ với chi phí thấp.
Theo Defense Express, Shahed-136 có thiết kế cánh delta (hình tam giác), chiều dài 3,5 mét, rộng 2,5 mét và nặng khoảng 200 kg. Chiếc UAV này sử dụng động cơ 50 mã lực và đạt vận tốc tối đa là 185 km/h.
Các linh kiện của Shahed-136 đều có giá thành rẻ, dễ kiếm. Động cơ MD550 của chiếc UAV này thậm chí còn từng được tìm thấy trên trang thương mại điện tử AliExpress.
Nhà nghiên cứu cao cấp Behnam ben Taleblu tại Quỹ Phòng thủ Dân chủ cho biết, vũ khí này cũng đã được sử dụng tại Yemen và trong một vụ tấn công tàu chở dầu vào năm ngoái.
Trong khi có tầm hoạt động tối đa là 1.000 km, chuyên gia Samuel Bendett cho biết “Geran-2” được sử dụng tại Ukraine từ khoảng cách ngắn hơn nhiều. Nguyên nhân là bởi hệ thống dẫn đường bằng GPS của UAV này dễ bị gây nhiễu.
Phiên bản Shahed-136 của Iran có thể được điều khiển bằng sóng radio. Việc phiên bản “Geran-2” của Nga có tính năng tương tự hay không hiện vẫn chưa rõ.
Theo Forbes, Shahed-136 nhiều khả năng còn mang cảm biến hồng ngoại, dùng để tấn công các mục tiêu di động như xe tăng.
Những chiếc “Geran-2” không có khả năng hoạt động thành bầy đàn (drone swarm). Công nghệ này yêu cầu các máy bay không người lái liên lạc với với nhau để tấn công mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Thay vào đó, “Geran-2” sẽ được phóng thành loạt nhằm khiến hệ thống phòng không bị quá tải.
Hạ Thảo (lược dịch)