40 tuổi đã phải cắt lưỡi, bác sĩ chỉ ra dấu hiệu dễ nhầm với nhiệt miệng
Bệnh nhân N.N.V ( 39 tuổi trú tại Ba Đình – Hà Nội) đến viện khám trong tình trạng sùi loét ở lưỡi nghiêm trọng kèm cảm giác đau nhức.
Bệnh nhân cho biết anh thường xuyên uống bia, rượu. Khoảng 2 tháng nay bệnh nhân xuất hiện vết gồ nhỏ ở lưỡi. Thời điểm đó, do nghĩ bản thân bị nhiệt miệng, bệnh nhân xúc miệng nước muối và đi khám tại một số nơi.
Tuy nhiên, khoảng 2-3 tuần sau đó, vết loét tiếp tục gồ lên. Lúc này, bệnh nhân có tâm lý chủ quan và không tìm cách xử lý thêm, cho rằng sẽ tự khỏi. Nhưng một tháng sau vết loét ở lưỡi lan rộng với kích thước 0,8 cm, cảm giác đau nhức, buộc anh phải đi khám.
Khi đến khám, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn 4, đã có xâm lấn ở cơ lưỡi cùng khu vực xung quanh. Kết quả sinh thiết tức thì cũng xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập.
Bệnh nhân hiện đã nhập viện điều trị với phương pháp hóa xạ đồng thời. Tình trạng hiện tại của bệnh nhân không cho phép phẫu thuật ngay.
Trường hợp của anh Vũ Quốc D. (41 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) cũng tương tự. Anh D., đến BV Tai mũi họng Trung ương khám trong tình trạng đau lưỡi, vết loét ở lưỡi thâm đen, đau không ăn được.
Anh D. có tiền sử hút thuốc lá, uống rượu gần 20 năm nay. Các bác sĩ cho làm các xét nghiệm và sinh thiết chẩn đoán ung thư lưỡi.
Bệnh nhân phải cắt bỏ 2/3 lưỡi. Sau cắt lưỡi, anh D., nói năng vô cùng khó, không thể nghe được. Giao tiếp hàng ngày với vợ con đều là viết ra giấy. Bản thân anh D. cũng vô cùng hối hận vì hút thuốc lâu năm bất chấp nhiều lời khuyên bỏ thuốc lá.
PGS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, chuyên gia về tai mũi họng, cho biết bệnh ung thư lưỡi có xu hướng tăng lên. Tại phòng khám của bệnh viện bác sĩ cũng gặp nhiều bệnh nhân đến khám đều nghĩ rằng nhiệt miệng nhưng cảm quan lâm sàng tổn thương bác sĩ nghi ngờ ung thư lưỡi và chỉ định sinh thiết đều là ung thư lưỡi.
Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 263.900 ca mới mắc và khoảng 128.000 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2009 có 10.530 trường hợp ung thư mới mắc, 1900 trường hợp tử vong.
PGS An cho biết ung thư lưỡi dễ nhầm lẫn với các dấu hiệu của bệnh lý vùng khoang miệng. Đa phần người bệnh đều thấy các vết loét giống nhiệt miệng lại không đau nên chủ quan.
Ở giai đoạn đầu, BS An cho biết người bệnh có thể có các triệu chứng như cảm giác dằm ở lưỡi (giống xương cá cắm vào lưỡi). Các tổn thương ở lưỡi như loét, trắng, loét có gồ, lâu ngày tạo thành các vết xơ hóa.
Ở trường hợp nặng vết loét loang rộng và kèm theo có thể có hạch ở cổ. Loét tiến triển thâm nhiễm sâu vào lưỡi khiến bệnh nhân đau không ăn được. Một số trường hợp có thể thêm bội nhiễm, có mùi hôi ở miệng.
Ung thư lưỡi là bệnh liên quan trực tiếp đến lối sống cùng các tác nhân như rượu, bia, thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, thường xuyên ăn đồ nóng... Bệnh ung thư lưỡi, nếu được phát hiện ở những giai đoạn sớm, có thể dễ được điều trị ổn định hơn.
Hiện nay, PGS An cho biết, ung thư lưỡi bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ sau đó xạ trị. Nếu ở giai đoạn đầu bệnh nhân có thể phẫu thuật triệt căn như cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u.
Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Hiện nay, xạ trị đóng vai trò điều trị triệt căn hoặc bổ trợ trong điều trị bệnh ung thư lưỡi, tuy nhiên, nó cũng gây ra một số tác dụng phụ như khô miệng, viêm miệng, xạm da, cháy da, loét da, khít hàm.
Bệnh nhân có thể dùng đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, có thể đơn hóa trị hoặc phối hợp đa hóa trị.
Khánh Chi