Bác sĩ Việt Đức cảnh báo: Không muốn ung thư dạ dày hãy dừng ăn nhiều các thực phẩm này
Bỏ dưa muối, thịt hun khói
Trường hợp nam bệnh nhân 25 tuổi vào viện trong tình trạng đau bụng, thường xuyên mệt mỏi chán ăn. Khi tình trạng đau bụng kéo dài kèm theo triệu chứng ăn gì nôn đó người bệnh mới đến khám.
Bác sĩ xác định bệnh nhân bị bụng chướng, có dịch trong bụng. Nội soi phát hiện bệnh gây nên tình trạng "ăn gì nôn đó".
Trường hợp của nữ bệnh nhân 28 tuổi, quê tại Đắk Lắk đang làm việc tại TP.HCM vào viện cấp cứu trong tình trạng thường xuyên nôn ói, đau bụng, sụt cân. Bệnh nhân này mang thai nên nghĩ rằng mình bị nghén và chủ quan chỉ đi siêu âm thai, không khám tiêu hóa. Khi mang thai 30 tuần, tình trạng bệnh nhân nôn ói nhiều, đi ngoài phân đen mới được người nhà đưa vào viện. Bác sĩ cho biết bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Bệnh nhân được mổ lấy thai sau đó các bác sĩ ngoại tiêu hóa tiếp tục xử lý tình trạng ung thư dạ dày của bệnh nhân.
Tại các bệnh viện, tình trạng bệnh nhân ung thư dạ dày trẻ hóa tăng lên rất nhiều. TS BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng ung thư dạ dày có hai nguyên nhân khiến bệnh gia tăng đó là vấn đề nhiễm vi khuẩn HP cộng với thói quen ăn uống làm gia tăng bệnh lý viêm dạ dày. Viêm dạ dày tái đi tái lại sẽ khiến niêm mạc dạ dày teo lại và cộng thêm HP thúc đẩy yếu tố nguy cơ.
Cùng quan điểm, PGS Phạm Hoàng Hà cho rằng nếu trước đây ung thư dạ dày đều ở người từ 55 tuổi trở lên thì nay đã khác. Bệnh nhân ngày càng trẻ hơn.
PGS Hà cho rằng thói quen ăn dưa muối, thịt hun khói làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày vì chúng chứa nitrat. Mặc dù những nitrat này rất hữu ích trong việc bảo quản và cải thiện màu sắc của thực phẩm nhưng lại không tốt cho sức khỏe.
Những thực phẩm giàu nitrat như dưa muối, xúc xích, dăm bông, thịt hun khói… làm tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, PGS Hà cho rằng cần bỏ thói quen ăn uống nhiều thực phẩm nhóm này.
PGS Hà cho biết hiện nay người dân quan tâm sức khỏe hơn, họ không còn đến bệnh viện muộn như trước. Tại khoa Ngoại tiêu hóa của BV Việt Đức lượng bệnh nhân đến viện giai đoạn muộn (giai đoạn không còn khả năng điều trị) rất ít, dưới 5%. Giờ đây, do nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đi khám ngay khi có triệu chứng mơ hồ, dẫn tới tỷ lệ triệt căn lên hơn 90%.
Cảnh giác với viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ
PGS Hà cũng cho biết thêm hiện nay tình trạng trẻ nhỏ bị viêm loét dạ dày cũng tăng cao. Một phần do thói quen ăn uống, một phần do áp lực học hành. Trẻ bị viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP cũng nhiều.
Tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, GS Mai Trọng Khoa - nguyên Giám đốc của Trung tâm cũng cho biết số trẻ viêm loét dạ dày đang gia tăng. BS Khoa đang điều trị cho trẻ 11 -12 tuổi đã viêm loét dạ dày do thói quen ăn uống là chính. Trẻ áp lực học hành, đi học ở trường về vội tới trung tâm học thêm đủ các nơi nên thường ăn vặt, uống nước ngọt có ga khiến tình trạng viêm dạ dày rất nặng. Điều này cực kỳ nguy hiểm, cha mẹ không nên chủ quan.
Vì vậy, khi khám nếu phát hiện dương tính với vi khuẩn HP, người bệnh phải điều trị kháng sinh. Trẻ viêm loét dạ dày có thể chuyển thành mãn tính, tình trạng viêm loét này khiến niêm mạc dạ dày teo đi và có nguy cơ ung thư trong tương lai rất lớn. Nhiệm vụ chính của lớp niêm mạc dạ dày là tiết axit để tiêu hóa thức ăn đồng thời bảo vệ dạ dày khỏi tác động ăn mòn của axit. Khi tình trạng viêm niêm mạc dạ dày phát triển trong một thời gian dài, lớp niêm mạc này sẽ mất khả năng phục hồi và bị viêm teo.
K.Chi