Tuổi đôi mươi, tôi gửi 7 bức thư tình và nhận ra điều đau đớn trong một đêm mưa

Mỗi tuần, tôi gửi đi một bức thư tình, kể về đủ thứ chuyện của mình và nói với bạn về nỗi nhớ xa xôi... Nhưng người ấy đáp lại tôi bằng sự im lặng mênh mang vô tận.

Chuyện đáng nhớ nhất tuổi đôi mươi, với tôi, có lẽ là mối tình đơn phương mà tôi đã miệt mài theo đuổi suốt 2 năm học trung cấp ở Hà Nội. Đó là người bạn cùng học với tôi thủa nhỏ.

Hoàn cảnh gia đình không thuận lợi như các bạn cùng trang lứa, nhưng bạn đã nỗ lực phấn đấu học tập, đỗ đại học với mơ ước sau này thành công để mẹ bạn không phải bươn chải vất vả sớm khuya.

Không biết tôi thầm yêu bạn vì lý do gì, vì bạn đẹp trai hay vì có ý chí và bản lĩnh. Ngày ấy, thỉnh thoảng tôi đến nhà bạn chơi, trò chuyện với mẹ bạn một lúc rồi về. Mẹ bạn thường kể chuyện bạn học hành ra sao, đi chơi ở đâu...

tinh yeu.jpg
Tôi và nỗi nhớ màu hoa tuổi 20

Bạn bè cùng lớp biết chuyện tôi thích bạn, hay trêu này kia và nói đùa với tôi rằng bạn ấy cũng thích tôi. Tôi cứ hy vọng đó là sự thật. Nhưng bạn chẳng nói một lời nào.

Khi lên học ở Thanh Xuân, Hà Nội, trường tôi cách trường bạn khoảng 3km. Tôi mượn xe đạp của bạn cùng phòng ký túc xá, tìm đến nơi ở của bạn. Tôi lơ ngơ đi lạc, hỏi thăm mấy lượt mới tìm được phòng bạn, nhưng bạn đi học chưa về.

Tôi trò chuyện với mấy anh cùng phòng bạn rôm rả cả tiếng trong lúc đợi bạn về. Ánh mắt bạn thoáng bối rối, chuyện trò với tôi một lúc, rồi tặng tôi một bức ảnh bạn mới chụp. Tôi lúc ấy cứ như đi trên mây, lâng lâng vui sướng bồi hồi.

Chỉ có thế mà tôi đã tự thêu dệt đủ thứ về chuyện tình tuổi 20 của mình. Ngày nào tôi cũng ngắm bức ảnh bạn tặng và mơ màng nghĩ ngợi: Hẳn là bạn ấy cũng thích mình, yêu mình nên mới tặng ảnh cho mình...

Tôi kể chuyện về bạn với các bạn cùng phòng ký túc xá, với biết bao tính cách tốt đẹp. Và tôi đã viết cho bạn 7 bức thư tình liên tiếp. Mỗi tuần, tôi gửi đi một bức thư để kể về đủ thứ chuyện của mình và nói với bạn về nỗi nhớ xa xôi.

Bảy bức thư với biết bao nỗi niềm nhung nhớ, tình yêu thầm kín có lẽ cũng phơi bày hết trong câu chữ... Bạn đáp lại tôi bằng sự im lặng mênh mang. Bạn bè cùng phòng bức xúc khi thấy tôi yêu đơn phương một cách dại khờ.

Hồi đó, tôi học giao thông. Con gái ở trường là “mì chính cánh”, được các anh quan tâm, tán tỉnh, làm bài hộ, tặng hoa tặng quà, đưa đi chơi... Thế mà tôi lại làm ngơ, cứ lẽo đẽo đi theo người bạn ấy.

Bạn bè phân tích ngược xuôi: “Cậu bảo người ta yêu cậu, thế đã bao giờ người ta đến phòng thăm cậu chưa? Cậu ốm, người ta có gọi điện hỏi thăm câu nào không? Thôi dẹp tính mơ mộng đi cho chúng tôi nhờ...”.

Tôi chỉ biết bào chữa bằng câu thơ “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” của nhà thơ Xuân Diệu, rằng không yêu sao bạn ấy tặng tớ ảnh và nhìn tớ bối rối?

Hội bạn ký túc xá nhìn tôi cười rúc rích, bĩu môi, lè lưỡi với tình yêu không lời mà tôi ấp ủ trong tim.

Sự im lặng có hai ý nghĩa: Đồng ý và phản đối. Bạn ấy đã im lặng, né tránh mỗi lần tôi đến chơi như một thông điệp rõ ràng: Bạn ấy không hề yêu tôi.

Tôi chỉ hiểu ra điều ấy vào một đêm mưa…

Chiều hôm ấy, học xong tôi lại mượn xe bạn, hì hục đạp đến ký túc xá bạn ở. Bạn đi học về, thấy tôi chờ ở phòng, chỉ chào và nói chuyện qua loa vài câu rồi nói phải đi có việc bận. Tôi vẫn ở phòng chờ bạn, nhưng bạn không về.

Mấy anh trong phòng hẳn là thấy tôi tội nghiệp, nên dẫn tôi đi ăn cơm tối rồi giả vờ là lúc nữa bạn về. Tối hôm đó, phòng bạn có anh tổ chức sinh nhật, mời tôi ở lại chơi. Tôi chẳng chút ngại ngùng, nán lại dự sinh nhật, đến 9 giờ tối mới về.

Lúc tôi ra về, trời đổ mưa to, gió rít từng cơn, mưa trắng trời và lá rụng tan tác dưới mặt đường nhựa loáng nước. Tôi một mình đạp xe về trường trên con đường vắng dần xe cộ, mưa gió tầm tã và nước mắt rơi buồn bã tái tê.

Lời chia tay mối tình đơn phương ập đến, rõ ràng và quyết liệt. Tình yêu chỉ xuất phát từ phía tôi, làm sao có thể duy trì khi bạn ấy né tránh và từ chối.

Một thời tuổi trẻ mơ mộng và ngốc nghếch của tôi như thế đó. Sau này, khi chúng tôi họp lớp, gặp lại nhau, tôi mỉm cười e ngại. Bạn nhắn tin, những lá thư xưa tôi gửi bạn vẫn còn giữ…

Tôi chỉ im lặng. Tôi nhớ đến trường đại học bạn học 5 năm, trước cổng trường có vườn hoa sinh viên, màu đỏ hoa phượng, màu tím hoa bằng lăng và màu vàng hoa điệp xen kẽ trong màu nắng tháng 5 chói chang rực rỡ.

Mỗi độ hè sang, ngắm màu hoa tím, hồng miên man trên phố, nghĩ về tuổi 20 của mình, tôi vẫn thấy một nỗi nhớ xôn xao.

Nhà tâm lý học lâm sàng Meg Jay cho rằng, tuổi đôi mươi là điểm phát triển ngọt ngào để chúng ta lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai. Đó là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Khi ấy, chúng ta không chỉ có sức khỏe, có khao khát cùng sự sục sôi của tuổi trẻ, mà còn có cả những giấc mơ đẹp và những kỷ niệm tuyệt vời. 

Báo VietNamNet mở diễn đàn Tuổi đôi mươi để cùng độc giả ôn lại những khoảnh khắc khó quên về thời điểm chuyển tiếp đặc biệt trong cuộc đời này. Bài viết liên quan xin gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn.

Gần 800 sinh viên được đào tạo chuyên ngành rau hoa quả và cảnh quan

Đây là thông tin được GS. TS Phạm Văn Cường, PGĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin tại Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững ngành Hoa, cây cảnh Việt Nam”.

Thanh niên hành động ngăn nạn buôn bán, giết mổ chó mèo

Với sự hiểu biết khi tham gia cuộc thi, thanh niên sẽ là cầu nối khuyến khích những người khác suy ngẫm về hậu quả của việc kinh doanh, vận chuyển và giết mổ thịt chó mèo.

Hơn 12.000 học sinh, sinh viên được đào tạo về công nghệ AI

Đến nay đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên đến từ 95 trường học tại 21 tỉnh thành trên cả nước được đào tạo về vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…

Tạo sân chơi cho học sinh ứng dụng kiến thức giáo dục STEM

Cuộc thi đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, nhằm nuôi dưỡng năng lực tiếp cận công nghệ giải quyết các vấn đề của xã hội.

Cô gái Nam Định vẽ tranh bằng 'đôi tay' đặc biệt, nuôi ước mơ thành họa sĩ

“Tôi không quyết định được hình hài mình sinh ra nhưng tôi có quyền chọn cách sống”, câu nói ấy đã trở thành động lực, giúp Thơm vượt qua giới hạn của cơ thể, dùng “đôi tay” đặc biệt vẽ lên cuộc đời đầy ý nghĩa.

'Học sinh toàn đạt danh hiệu khá, giỏi sao phải lo chuyện đi học thêm?'

Chuyên gia giáo dục Lê Đông Phương nêu nghịch lý: “Qua báo cáo tổng kết các năm học, đa số học sinh được xếp loại khá giỏi, số yếu kém chỉ chiếm rất ít, vậy tại sao xã hội, phụ huynh cứ phải lo chuyện học thêm, dạy thêm?”.

Thầy cô Học viện Nông nghiệp Việt Nam trổ tài gói bánh chưng

Từ ngày 12/1- 24/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ hội Xuân, lễ hội gói bánh chưng và hội thi văn hóa ẩm thực truyền thống chào Xuân Ất Tỵ 2025.

Tử vong do tai nạn giao thông liên quan rượu bia: 6/10 người trong độ tuổi 15 - 29

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy cứ 10 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia thì có 6 người trong độ tuổi từ 15 đến 29.

Học viện nông nghiệp Việt Nam ra mắt câu lạc bộ hoa, cây cảnh sinh viên

Trong khuôn khổ Lễ hội Xuân 2025, tối 17/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ hoa, cây cảnh sinh viên VNUA.

Ngành hoa cây cảnh Việt Nam, cơ hội cho người trẻ

Gần 45.000 ha trồng hoa, cây cảnh với sản lượng đạt hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hoa vượt mốc 100 triệu USD, Việt Nam khẳng định vị thế trong ngành hoa cây cảnh khu vực và quốc tế.