Bức thư tình thời chiến khiến giới trẻ xúc động, “ghen tị” về độ lãng mạn
Bức thư dưới dạng bài thơ tình từ thời chiến dù nhuốm màu thời gian vẫn khiến bao người trẻ xúc động.
Mới đây, cư dân mạng bày tỏ sự xúc động khi nhìn thấy hình ảnh chụp lại bài thơ tình của một chàng trai gửi cho cô gái từ thời kháng chiến. Những dòng chữ nắn nót, giản dị chất chứa tâm tư, tình cảm của chàng trai gửi đến cô gái thật lãng mạn đến nhường nào.
Bức thư tình thời chiến khiến giới trẻ xúc động |
“Anh kể về những ngày sống xa em
Những khi đứng gác dưới trời đêm
Lạnh lùng anh nhớ em vô hạn
Chỉ mơ rằng: Nếu cây súng là em…”
Đó là một trong những trích đoạn đầy cảm động trong bài thơ mà người con trai gửi cho cô gái mình thương trong lúc bản thân anh đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Được biết, người chia sẻ bài thơ lên mạng xã hội là bạn Trịnh Tú Hạnh, người được nhận thơ là bà ngoại cô có tên là Phạm Thị Lợi (68 tuổi). Dù cuộc sống thời chiến nhiều khó khăn, gian khổ nhưng sự chân thành, chung thủy trong tình yêu chính là động lực để ông bà vượt qua tất cả, chung sống với nhau hạnh phúc sau này.
Chia sẻ với Infonet, bạn Tú Hạnh cho hay bài thơ đó là những lời “tán tỉnh” mà ông ngoại cô gửi đến bà từ thời kháng chiến. Hồi đó, cả hai ông bà đều ở Đảo Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
“Ông mình bị bệnh nên mất sớm. Những dòng thơ trong bức thư là lời ông mình tán bà vào năm 1973 lúc bà mình mới 18 tuổi, hồi ấy bà làm giáo viên dạy vỡ lòng ở Đảo Bản Sen còn ông làm bộ đội công tác ở Đảo Ba Mùn. Khi đó thời kháng chiến, bà mình bảo bà yêu màu xanh áo lính nên đã chấp nhận tình cảm của ông”, Tú Hạnh cho biết.
Cũng theo lời chia sẻ của Tú Hạnh, bà ngoại cô thường bảo khi ấy chỉ dám yêu nhưng chưa xác định gì vì yêu thường nay đây mai đó, không biết hy sinh lúc nào. Đến cuối năm 1975, đất nước hòa bình, ông và bà mới nên duyên vợ chồng.
“Bà mình bảo lấy lính như đi làm dâu không chồng. Bà mình cũng kể lần nào ông gửi thư về là lần đấy bà vừa đọc vừa khóc. Bà kể ông mình nấu ăn ngon, có ông ở nhà là bà không phải nấu cơm. Thời đấy, cứ thấy ông về là mừng, lúc đi bà chỉ dám ngậm ngùi khóc”, Tú Hạnh cho biết.
Mai Phương
Ảnh: NVCC