Dân mạng "phát cuồng" khi đọc lại những bức thư tình Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh
Yêu thương trong từng câu chữ là cách giới trẻ nói về những bức thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh. Theo nhiều người, đã qua rồi cái thời tình yêu được gửi gắm trong những lá thư viết tay.
Do vậy, khi đọc lại những lá thư đầy cảm xúc của nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ gửi cho vợ mình, nhà thơ Xuân Quỳnh, nhiều người cảm thấy nhịp đập yêu thương nóng hổi trong từng dòng chữ và họ khát khao được như họ.
Ví dụ bức thư đề ngày 5/6/1976 có đoạn viết:
Quỳnh thương yêu!
Những ngày này nhớ và thương Quỳnh lắm, không nên bực bội về Sài Gòn và người Sài Gòn làm gì. Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ ?
Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.
Hôn em rất lâu.
---
Hoặc bức thư đề ngày 9/6/1978 có đoạn:
Quỳnh nhớ thương!
Em đi đã được một tuần. Nhớ em và buồn lắm. Mấy bố con ở nhà vẫn bình thường. Mẹ đi vắng. Mí cứ quấn bố, tối không chịu xuống bà...
Anh làm mọi việc nhà xong, ru con yên thì đã 11 giờ lúc đó mới làm việc. Mới biết em ở nhà làm việc nhà vất vả thật.
Những gì em dặn về nhà cửa, về con anh đều nhớ và lo chu toàn. Chỉ có nhớ em và mong ngày em về. Có lẽ cũng phải 1 tháng nữa em mới về nhỉ...
Hôn em. Nhớ em nhiều. Em ở bên đó xứ sở đẹp đẽ, giàu có, có nhớ đến gian buồng và cái sạp của bố con tôi không?
----
Hoặc trong bức thư đề ngày 8/6/1978, nhà thơ Xuân Quỳnh gửi nhà biên kịch Lưu Quang Vũ viết:
Anh nhớ thương của riêng em!
Suốt từ hôm đi, chưa lúc nào mở mắt ra được. Muốn viết cho anh ngay, viết nhiều, nhưng bận quá và căng thẳng quá. Hôm em đi, trời mưa chỉ kịp nhìn anh xuống xe đạp và khoác cái mảnh ni lông trắng.
Em thương nhớ anh muốn khóc nhưng đành phải cười nhạt nhảy lên xe. Em không còn nhớ được em đã nhìn thấy gì cuối cùng trên đất ta ngoài anh và con.
...
Em nghĩ mà thương anh lắm. Không hiểu anh có nhớ em không, hay lại thấy là đang thoát khỏi sự khó tính bẳn gắt của em? Đừng giận em, em dù có những nhược điểm như vậy nhưng chủ yếu là em bao giờ cũng thương yêu anh lắm.
Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh không phải về tình yêu mà về trí tuệ.
Em cảm thấy em già rồi, già về thể chất đã đành nhưng lại còn già về sự yên phận của người đàn bà, về những sự nhỏ nhen tầm thường của đời sống. Em nhìn mặt em trong gương, em thấy em không xứng đáng với anh.
...
Ở người đàn bà, đôi khi chỉ cần nhan sắc thôi, nhan sắc là tài năng. Dẫu rằng có nghĩ về phía tinh thần thế nào đi nữa thì người thông minh tài năng cũng cần có nhan sắc, tài năng mới vẹn toàn.
Đôi khi em nghĩ quẩn là “có khi em phải bỏ anh đi để em khỏi phải mang nỗi tủi nhục là không xứng với anh”. Nhưng em không có can đảm. Em yêu anh và em đã nhập cuộc đời em vào cuộc đời anh, bây giờ đối với em đó chỉ là một cuộc đời thôi, cắt đi làm sao nổi”.
----
Đó chỉ là 3 trong hàng trăm bức thư giữa Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ gửi cho nhau khi họ tạm xa, để Xuân Quỳnh sang Nga học tập. Nhiều độc giả khi đọc lại những bức thư này cũng hoài niệm về tuổi trẻ của mình, với những lãng mạn yêu thương.
Trong khi đó, giới trẻ khi đọc những bức thư này thì họ vô cùng thích thú bởi thời đại ngày nay nhắn tin đã phổ biến, mấy ai viết thư và nhất là thư tình. Đặc biệt là những bức thư với lời lẽ yêu thương tận sâu đáy lòng khiến ai cũng phải ghen tị.
Độc giả Triệu Phong viết: "Ước mơ cả đời người có khi chỉ là nhận được một lá thư tình trong từng câu chữ như thế này".
Bạn Hamy Gia Le thì cho biết: "Phải tự nhận thấy may mắn khi trong đời được nhận phong thư tình trong xã hội ngày nay đi". Còn độc giả trẻ Khánh Băng (tự nhận mới 17 tuổi, đang yêu) bình luận: "Khi đàn ông viết thư thì không cần nhìn cũng thấy người đó thật quyến rũ".
Yêu và được yêu là cảm giác thật tuyệt vời. Dĩ nhiên cái cảm giác viết thư và đợi hồi âm theo cách yêu nhau thời "ông bà anh" không tài nào có thể giải thích cho thế hệ sinh sau năm 2000 hiểu được.
Nhưng qua những bức thư giữa Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, giới trẻ hiểu được phần nào thế hệ đi trước đã sống và chiến đấu với những khó khăn trong cuộc sống, nhưng thiếu thốn trong tình cảm chứ không chỉ vật chất và biết trân quý hơn những gì mình đang có hơn trong hiện tại cũng như trong tình yêu.