Từng bước giảm nghèo ở Hướng Hóa, Đa Krông
![]() |
Nông dân Hướng Hóa thu hoạch cà phê. Ảnh: Công Điền |
Hướng Hóa và Đa Krông (Quảng Trị) là hai huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn. Tuy vậy trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân đã có bước phát triển, xóa dần khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi.
Hướng Hoá là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, là một trong 10 đơn vị hành chính của tỉnh. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam và Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp với huyện Do Linh, Vĩnh Linh và Đakrông.
Toàn huyện có 22 đơn vị hành chính trong đó 20 xã và 2 thị trấn (Khe Sanh và Lao Bảo) (trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn; 11 xã giáp biên với Lào), có cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nằm trên trục đường Quốc lộ 9 nối liền với các nước trong khu vực: Lào, Thái Lan, Mianma và Khu vực Miền Trung Việt Nam. Có đường biên giới dài 156km tiếp giáp với 3 huyện bạn Lào. Diện tích tự nhiên toàn huyện là:1150,86km2, dân số đến cuối năm 2016 là: 86,2 nghìn người, Có 3 dân tộc sinh sống chủ yếu là: Pa Kô, Vân Kiều, Kinh.
Trong khi đó huyện Đa Krông, có Phía Bắc giáp với các huyện Gio Linh, Cam Lộ: Phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào: Phía Đông giáp huyện Triệu Phong và Hải Lăng: Phía Tây giáp huyện Hướng Hóa. Địa hình Đakrông cao về phía Đông – Đông Nam thấp về phía Tây - Tây Bắc. Cao nhất là đỉnh Kovalađút 1.251m, thấp nhất là khu vực bãi bồi Ba Lòng 25m. Đồi núi tập trung ở phía Đông Nam của huyện. Tính đến 2005 dân cư của huyện Có khoảng 34.160 người thuôc nhiều dân tộc khác nhau.
Từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi, từ đầu năm 2017 đến nay, thông qua nguồn vốn phân bổ của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vực. Đầu tư 24,8 tỷ đồng khởi công xây mới 32 công trình và hoàn thành 24 công trình chuyển tiếp của năm 2016; hỗ trợ hàng chục tỷ đồng phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016 giảm 1,94% (từ 15,43% đầu năm 2016 xuống còn 13,49% cuối năm 2016). Đến nay, tất cả xã ở miền núi Quảng Trị có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nhà sinh hoạt cộng đồng; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây cùng với đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tạo sự gắn bó mật thiết hội viên với tổ chức hội, Hội Nông dân Hướng Hóa đã tích cực tuyên truyền vận động nông dân các dân tộc trong huyện tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình hành động của địa phương, hăng hái tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đa Krông Hồ Thị Kim Cúc cho biết, để thực hiện tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng; chú trọng phát triển văn hóa - xã hội; chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội khác. Phấn đấu giảm từ 100 đến 130 hộ nghèo/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 4% theo chỉ tiêu của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh cũng chia sẻ rằng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem lại kết quả tích cực. Hầu hết con em trong độ tuổi được đến trường, nhiều em đã được học đại học và sau đó quay về góp sức xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.