Tự chủ tài chính:Bệnh viện trung ương sống tốt, bệnh viện tuyến huyện ngắc ngoải
![]() |
Tự chủ bệnh viện, tuyến trung ương phát triển, tuyến quận huyện chịu thua. |
Trao quyền để phát triển
Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định 43) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực kể từ 6/4/2015 đã chỉ rõ mục tiêu hướng tới là các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động càng nhiều thì mức độ tự chủ càng cao.
Nói về các đơn vị bệnh viện công lập tự chủ, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, tiến tới tính đủ, nên bệnh viện công sẽ không được ngân sách nhà nước cấp kinh phí mà sẽ phải hoạt động bằng nguồn thu từ bệnh nhân.
“Bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Nếu không, người bệnh quay lưng lại với mình hoặc cơ quan BHXH sẽ không ký hợp đồng, coi như bệnh viện tự chết!” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho hay.
Từ khi trao quyết định tự chủ trong tay, bộ mặt nhiều bệnh viện công lập đã có thay đổi đáng kể. Tuy đạt được những kết quả nhất định trong các bệnh viện công lập khi thực hiện quyền tự chủ, song theo kết quả nghiên cứu, 18 bệnh viện công thực hiện Nghị định 43 của Viện chiến lược và Chính sách y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế cho thấy: Các bệnh viện tuyến trung ương và các thành phố lớn hưởng lợi nhiều hơn từ Nghị định 43 vì các đơn vị này thu hút được nhiều người bệnh có khả năng chi trả các dịch vụ kỹ thuật cao và có khả năng huy động vốn đầu tư từ nguồn "xã hội hóa" dễ dàng.
Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM là bệnh viện tuyến quận đầu tiên của cả nước được trở thành hạng I và đã thực hiện tự chủ hoàn toàn chi phí. Điều đáng nói là đây cũng là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện thí điểm mô hình bệnh viện vận hành theo hướng một doanh nghiệp.
Khổ cho tuyến huyện
Tuy nhiên, hiện vẫn còn phần lớn các bệnh viện yếu kém về cơ sở vật chất, chuyên môn, chưa thu hút được người bệnh nên khả năng tự chủ gặp rất nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo một bệnh viện quận thì bệnh viện này vẫn đang là hạng 3, yếu kém về mọi mặt nên rất khó tạo được nguồn thu: “Bảo hiểm y tế đã liên thông thì bệnh nhân cứ chọn bệnh viện tốt mà vào. Đương nhiên, các bệnh viện yếu kém thì càng yếu kém”
Bệnh viện Đa khoa Như Thanh, Thanh Hóa là Bệnh viện hạng 2, với 90 gường bệnh kế hoạch và 256 giường thực kê. Sau khi thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện giảm đáng kể.
Lượng bệnh nhân giảm đồng nghĩa với nguồn thu bị giảm, bệnh viện gặp khó khăn trong việc bố trí các khoản chi thường xuyên, trong đó có nguồn thu nhập tăng thêm cho cán bộ, y bác sĩ và người lao động.
Sở dĩ bệnh viện không thu hút được người dân đến khám vì cơ sở vật chất xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu người dân, trong khi bệnh viện lại gặp khó khăn trong quá trình xã hội hóa, thiếu nguồn vốn để mua sắm trang thiết bị máy móc, không thu hút được bác sĩ giỏi về công tác.
Cũng giống như BVĐK Như Thanh, BVĐK Mù Cang Chải, cũng được giao tự chủ một phần năm 2017, tuy nhiên, cũng hết sức khó khăn.
BS. Cứ A Hồng, Giám đốc BVĐK Mù Cang Chải cho biết, khi thực hiện tự chủ về tài chính, thu nhập của các bệnh viện dựa vào 2 nguồn là BHYT và thu dịch vụ.
Nguồn thu của bệnh viện chủ yếu là từ BHYT, khám dịch vụ ngoài hầu như không có. Điều tưởng như đáng mừng là hầu hết dân số trên địa bàn đều có BHYT. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc với trình độ dân trí thấp, khi bị bệnh vẫn còn cúng thầy lang, thầy mo, cúng ma chứ chưa chủ động đến viện. Thậm chí có trường hợp đến viện rồi nằm được 1,2 ngày lại về. Nguồn thu từ dịch vụ không có, nguồn thu từ BHYT cũng không ổn định, do đó, mặc dù năm nay được giao tự chủ một phần, nhưng bệnh viện cũng rất khó khăn.
Ngoài ra, muốn nâng cao, cải tiến kỹ thuật cũng khó khi nhân lực thiếu, máy móc không có, cơ sở vật chất xuống cấp, mà nếu có thì cũng không có bệnh nhân…
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều cơ sở y tế cũng mong muốn khi bệnh viện đã tiến hành tự chủ toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên thì nên đồng thời tự chủ về nguồn nhân lực. Bởi tự chủ về nhân lực là yếu tố quan trọng giúp bệnh viện có thể tự chủ tài chính.