Truyền thông phòng, chống mua bán người trên nền tảng công nghệ
Thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi và diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi các phương thức tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác cũng cần phải có sự thay đổi phù hợp với thực tiễn.
Thiết kế thông tin tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người dưới dạng đồ họa để tăng hiệu quả. (Ảnh minh họa) |
Lợi dụng điều kiện công nghệ thông tin ngày càng phát triển, internet và điện thoại thông minh (smartphone) phổ biến rộng rãi, tội phạm mua bán người tìm đủ mọi cách thức tinh vi để dụ dỗ, lừa gạt những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa vào bẫy để đem bán. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý, các cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống mua bán người luôn phải cập nhật thông tin, ứng biến kịp thời trước các hành vi vi phạm rất xảo quyệt của tội phạm.
Theo báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông, những tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích tuyên truyền không còn hiệu quả vì hiện nay đối tượng bị mua bán người chủ yếu là giới trẻ, thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, YouTube. Do đó, trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, hạn chế số lượng vụ việc và nạn nhân bị mua bán, cần phải có các biện pháp mới, tận dụng triệt để các nền tảng công nghệ trong công tác thông tin, tuyên truyền.
Cùng với việc duy trì, đổi mới các phương thức truyền thông đại chúng đã phát huy hiệu quả, hàng năm, nhân “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin miễn phí tuyên truyền phù hợp với chủ đề mỗi năm đến khoảng 100 - 120 triệu thuê bao di động.
Các cơ quan báo chí tổ chức xây dựng chuyên mục, tin, bài, phim ngắn, video clip, thông tin dưới dạng đồ họa để đăng tải, tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội có nhiều người dùng tại Việt Nam.
Với mục tiêu xã hội chung tay phòng, chống mua bán người, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội nhằm chủ động đấu tranh, phòng ngừa mua bán người; kỳ vọng những nỗ lực đổi mới công tác tuyên truyền của Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát huy hiệu quả, để không còn nỗi buồn phân ly trong mỗi gia đình người Việt vì nạn mua bán người.
P.Liên