Đổi mới phương thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người
Theo báo cáo tổng kết 9 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2020, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, ngày 28/7/2020, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn đề nghị các nhà mạng nhắn tin miễn phí tuyên truyền về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với nội dung: “Hãy tích cực tham gia phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép. Khi phát hiện dấu hiệu liên quan, hãy thông báo ngay đến Công an nơi gần nhất hoặc trực ban Cục Cảnh sát hình sự, điện thoại: 069.2348560 hoặc Tổng đài quốc gia 111 để được hướng dẫn kịp thời” đến khoảng 120 triệu thuê bao di động với số tiền tương đương 36 tỷ đồng.
Tin nhắn tuyên truyền phòng, chống mua bán người. |
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn 2011-2020, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người đã có bước đột phá. Nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức đồng loạt với quy mô cả nước, tạo được dấu ấn và sự quan tâm của xã hội đến công tác phòng, chống mua bán người.
Thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ giai đoạn 2012-2020, tại các buổi giao ban hàng tuần, hàng tháng với các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người trên báo chí.
Các cấp, các ngành và các cơ quan, thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đã đầu tư nhiều hơn cho công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Nhiều chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn về phòng, chống mua bán người đã được các cơ quan thông tấn báo chí đầu tư xây dựng bước đầu góp phần nâng cao nhận thức, ý thức người dân trong công tác phòng, ngừa mua bán người, qua đó phối hợp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mua bán người góp phần ngăn chặn nạn mua bán người.
Các cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh được những vấn đề bức xúc, nhạy cảm trong công tác phòng, chống mua bán người (xuất khẩu lao động, nhận con nuôi…) được truyền tải dưới nhiều hình thức và đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận và xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Xây dựng được nhiều mô hình điển hình tiên tiến, cá nhân tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, công tác tuyên truyền đã giúp cho người dân hiểu rõ các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, từ đó phòng, tránh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng, khẳng định và thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm, hiệu quả các cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phòng, chống mua bán người.
P.Liên