Trẻ mắc tay chân miệng tăng vọt, có 3 dấu hiệu này bố mẹ cần đưa con đến viện ngay tức thì
Tại BV Nhi Trung ương, chỉ trong 2 tháng 4 và 5, BV đã tiếp nhận tới gần 780 ca mắc tay chân miệng, trong khi 2 tháng trước đó chỉ ghi nhận khoảng 20 ca.
Gia tăng trẻ mắc tay chân miệng
Thống kê trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Thuận.
So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.
Tại BV Nhi Trung ương, chỉ trong 2 tháng 4 và 5, BV đã tiếp nhận tới gần 780 ca mắc tay chân miệng, trong khi 2 tháng trước đó chỉ ghi nhận khoảng 20 ca.
Trẻ mắc tay chân miệng tăng vọt, sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm nào nếu không điều trị kịp thời? |
BS. Chuyên khoa 2. Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Truyền Nhiễm Nhi, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: Bệnh tay chân miệng được biết là do siêu vi trùng đường ruột gây ra và dễ dàng lây qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với những bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có các biểu hiện như sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông; nếu không quan sát kỹ, có thể nhầm lẫn với các bệnh phát ban hay thủy đậu.
Biểu hiện của bệnh là tổn thương mụn nước trên da ở lòng bàn chân tay và các nốt loét ở miệng; hạch vùng gối, mông. Ngoài ra bệnh tay chân miệng có tổn tthương kèm theo như: viêm long đường hô hấp, tiêu hoá, nôn, đi ngoài, ho, chảy nước mắt mũi. Trẻ kém ăn, kém bú do loét miệng.
Về các giai đoạn của bệnh, theo BS. Hồng Nhân, đây là bệnh truyền nhiễm chia ra 4 giai đoạn gồm:
Ủ bệnh từ 1-2 ngày đã có thể xuất hiện khởi phát; giai đoạn khởi phát- trẻ có dấu hiệu nhẹ như: nhiễm cảm lạnh, cảm cúm; giai đoạn toàn phát- trẻ có đủ dấu hiệu tổn thương mụn nước, tiêu hoá, hô hấp, tổn thương thần kinh và giai đoạn lui bệnh.
“Đáng lưu ý, ở giai đoạn toàn phát các biến chứng nguy hiểm có thể gặp như ở tim mạch, biến chứng vào não nếu không điều trị kịp thời và trẻ có thể tử vong”, BS Hồng Nhân thông tin.
Theo BS. Hồng Nhân, bệnh tay chân miệng khi biến chứng xảy ra nhanh chóng, có thể gây viêm cơ tim, tổn thương cơ tim, gây viêm não, viêm màng não tuỷ, trẻ có cơn rung giật nhãn cầu, thắt điều tiểu não có thể tử vong nhanh chóng.
Đây là bệnh lý do virus chưa có thuốc đặc trị chủ yếu trẻ nghỉ nghơi và điều trị triệu chứng; tăng cường sức đề kháng, cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, sổ sung dinh dưỡng, vitamin, tăng đề kháng để trẻ nhanh hồi phục.
Ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng
TS-BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới-BV Nhi Trung ương khuyến cáo, nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cụ thể:
Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, BS. Hồng Nhân khuyến cáo: Bệnh lây qua đường tiêu hoá nên cần đảm bảo vệ sinh thân thể. Nhiều người quan niệm trẻ mắc bệnh tay chân miệng không được tắm là sai lầm. Nếu trẻ không sốt, thể trạng tốt nên tắm 1 lần/ngày để tấy sạch virus bám trên người. Cùng đó thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tránh tái nhiễm từ chất thải người bệnh.
Đặc biệt, khi trẻ nhiễm bệnh trong môi trường có nhiều trẻ khác như gia đình, lớp mầm non... thì phải thực hiện cách ly ít nhất 10 ngày để tránh lây lan cho các thành viên khác. Thực hiện vệ sinh nhà cửa; thành viên chăm sóc trẻ bệnh tuyệt đối tuân thủ rửa tay vì đây là trung gian truyền bệnh giữa các thành viên trong gia đình.
Các thành viên khác cũng vệ sinh sạch sẽ, giữ thân thể sạch sẽ khoẻ mạnh, ăn uống đủ chất để phòng bệnh. Chú ý tuân thủ nguyên tắc cách ly 10 ngày với trẻ khỏi bệnh vì virus đào thải qua tiêu hoá có khả năng truyền nhiễm cho người khác.
N. Huyền