Tranh cãi Gen Z vừa tốt nghiệp Đại học chọn làm việc ở nghĩa trang cho 'yên thân'
Việc một cô gái Gen Z ở Trung Quốc vừa tốt nghiệp Đại học đã tới làm việc tại nghĩa trang trên núi với mong muốn cân bằng cuộc sống và công việc, cũng như tránh xa những thị phị và tranh đấu chốn văn phòng khiến nhiều người không khỏi bị sốc, đồng thời làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội ở đất nước tỷ dân.
Cô gái họ Tan (22 tuổi) đang trở thành nhân vật được chú ý trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc, sau khi cô gái cho đăng tải những đoạn video về nơi làm việc “yên bình” là một nghĩa trang trên núi ở thành phố Trùng Khánh vào tuần trước.
“Hãy để tôi cho các bạn xem môi trường làm việc của một quản trang Gen Z. Đây là một công việc đơn giản và thoải mái. Có những chú chó và mèo cùng mạng internet ở đây”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Tan nói khi đang ở ký túc xá cùng các đồng nghiệp ngay trong khuôn viên nghĩa trang.
Miêu tả bản thân đang làm công việc như “cuộc sống về hưu sớm”, cô Tan cho biết làm việc ở nghĩa trang giúp mình có nhiều thời gian rảnh rỗi, khung cảnh thiên nhiên quang đãng, cùng môi trường hoàn toàn không có cảnh ganh đua trong văn phòng, và không có cảnh chen chúc giữa phố xá.
“Do tôi sống ở đây, nên tôi nói đùa mình là ‘nhân viên quản trang’”, cô Tan chia sẻ.
Công việc cô Tan đảm nhận là đón tiếp các vị khách, bán mộ phần, quét dọn mộ thay mặt cho người thân của người đã khuất.
Lương tháng mà cô Tan nhận được là khoảng 4.000 nhân dân tệ (560 USD). Thời gian làm việc là 6 ngày/tuần và từ 8h – 17h hàng ngày với 2 tiếng nghỉ để ăn trưa.
Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, mức thu nhập trung bình hàng năm của người dân thành phố Trùng Khánh vào năm 2021 là 33.800 nhân dân tệ, tương đương 2.800 nhân dân tệ/tháng.
Đoạn video được cô Tan chia sẻ khiến nhiều cư dân mạng Trung Quốc bất ngờ, bởi cô Tan mới chỉ tốt nghiệp Đại học nhưng đã chọn làm việc ở nghĩa trang, nơi vốn được xem là đầy xui xẻo và không thoải mái.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ và cảm thông với cô Tan, khi cho rằng đây đang là xu thế “làm việc chậm lại” trong thế hệ Gen Z ở Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, xã hội Trung Quốc chứng kiến xu hướng “nằm yên mặc kệ sự đời” hay tangping trong giới trẻ. Để thực hành lối sống “nằm yên”, giới trẻ buộc phải từ bỏ kế hoạch kết hôn, không có con, chấp nhận tình trạng thất nghiệp, tránh xa các nhu cầu vật chất như sở hữu nhà hay xe hơi. Điều này đi ngược lại với công thức chung của sự thành công ở Trung Quốc là làm việc chăm chỉ, kết hôn và có con.
“Công việc ở nghĩa trang từng bị xem là thiếu may mắn vào thời xưa, nhưng nay nó là mang lại sự bình yên cho con người ở thời hiện đại”, một cư dân mạng bày tỏ ý kiến.
“Tôi cũng thích công việc như thế này. Bạn sẽ không cần phải tìm cách đối phó, hay đối mặt với những thị phi chốn công sở”, người khác có chung nhận định ủng hộ công việc cô Tan đang làm.
Theo học chuyên ngành quản lý mộ phần và nghĩa trang tại trường Đại học, cô Tan cho biết đây là công việc phù hợp với những gì bản thân đã được đào tạo.
“Đó là một công việc bình thường. Tôi đang làm việc mà mình thấy bình thường. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại và tôi sẽ gắn bó với nghề”, cô Tan nói thêm.
Thị trường dịch vụ tang lễ ở Trung Quốc chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, do dân số nước này ngày càng già. Vào năm 2020, doanh thu của ngành tang lễ ở Trung Quốc là 257 tỉ nhân dân tệ (36 tỉ USD), theo công ty nghiên cứu Huajing Research.
Video người đàn ông thuê xe nâng vứt chiếc ô tô ‘vô duyên’ chiếm chỗ đỗ xuống sông
Thảm họa động đất ở Indonesia khiến hơn 160 người chết, 130.000 người đi sơ tán
Minh Thu (lược dịch)