TPHCM: Sẽ tiếp tục phát triển y tế thông minh
Ứng dụng phần mềm RAPID trong điều trị đột quỵ. |
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận một cách tổng quan, cách mạng 4.0 đã có những tác động rất lớn đến ngành y tế, đòi hỏi bức thiết các bệnh viện phải “chuyển mình” hướng tới bệnh viện thông minh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Hiện gần 13.000 cơ sở y tế trong cả nước đã kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Nhiều bệnh viện đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, công tác chuyên môn như: phần mềm quản lý bệnh viện HIS, telemedicine (khám bệnh từ xa), bigdata…
Là địa phương tiên phong hướng tới y tế thông minh, thời gian qua nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã có những ứng dụng mạnh mẽ như xây dựng bệnh án điện tử, ứng dụng rô bốt trong phẫu thuật... Đặc biệt, dù chưa phát triển mạnh mẽ như các nước phát triển nhưng tại TP.HCM đã bắt đầu “manh nha” ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh.
Có thể lấy ví dụ từ Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã ứng dụng Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới trong đột quỵ não cấp; Bệnh viện Ung bướu thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư với 2 loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
Tuy vậy, theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để nhân rộng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế phải đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố. Với tình hình Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, trước mắt việc triển khai ứng dụng các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo chỉ nên chọn lựa những ứng dụng đã được chứng minh khoa học về lợi ích của nó và phù hợp với yêu cầu phát triển từ thực tiễn của ngành y tế.