TP.HCM: “Không có cái gọi là quỹ lớp, quỹ trường”
Các khoản thu đầu năm của một trường THCS tại quận 3, TPHCM |
Trao đổi với phóng viên Infonet, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM cho biết, Sở GDĐT đã phối hợp cùng Sở Tài chính đưa ra hướng dẫn liên sở về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác của các cơ sở giáo dục đào tạo công lập năm học 2015 -2016.
Theo đó, mức thu học phí và thu khác thực hiện giống như các năm 2013, 2014. đối với các khoản thu thỏa thuận và khoản thu hộ - chi hộ, các đơn vị phải lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh để tổ chức thực hiện.
Tất cả các khoản thu phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh (nêu rõ những khoản thu theo quy định, theo thỏa thuận, thu hộ - chi hộ); khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền…
Ông Hoàng khẳng định: “Không có cái gọi là quỹ lớp, quỹ phụ huynh học sinh, quỹ trường. Việc thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh là nhằm thực hiện các công tác xã hội, chung tay cùng nhà trường giáo dục học sinh, ví dụ như cùng nhà trường tổ chức cho học sinh làm bánh tét, bánh chưng dịp tết, tổ chức hoạt động ngoại khóa…
Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể cùng nhà trường thực hiện xã hội hóa các công trình phục vụ cho học sinh như sửa chữa sân bóng, nhà vệ sinh… trên nguyên tắc Ban đại diện cha mẹ học sinh lên dự toán sửa chữa, công khai với các lớp, kêu gọi sự đóng góp của các phụ huynh tùy theo điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Tuyệt đối không được cào bằng và bắt buộc tất cả các phụ huynh phải đóng góp”.
Ông Hoàng cho biết, cách làm của các trường hiện nay chưa đúng và quan trọng là chưa minh bạch, rõ ràng các khoản đóng góp khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Ông Hoàng nhấn mạnh, Phòng GDĐT các quận huyện phải trình UBND quận huyện phê duyệt tờ trình thu chi của năm học rồi các trường mới được thực hiện thống nhất trên nguyên tắc minh bạch và không được phép thu vô lý. Tất cả các khoản thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đều phải chi cho học sinh chứ không phải để tăng thu nhập cho giáo viên.
Trước thông tin phụ huynh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3) phải đóng tiền “thế chân” bán trú cho con vào cuối mỗi năm học, ông Hoàng cho biết Sở GDĐT sẽ kiểm tra lại thông tin này và khẳng định, việc thu này nếu có là hoàn toàn sai. Kể cả cho dù phụ huynh có đồng thuận đóng khoản tiền này thì hiệu trưởng nhà trường cũng không được phép thực hiện vì đây là khoản thu hoàn toàn vô lý. Việc trường thu tiền “thế chân” bán trú giống như một hình thức kinh doanh trong giáo dục, và việc này là hoàn toàn không được phép.