Tin 'việc nhẹ, lương cao', nhiều thanh thiếu niên thành nạn nhân buôn bán người
Bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng đường dây nóng bảo vệ trẻ em và phòng chống mua bán người 111 cho biết, đường dây chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2013, trên nền tảng Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111).
Với 3 tổng đài chia 3 vùng: Miền Bắc tại Hà Nội tiếp nhận cuộc gọi từ 28 tỉnh phía Bắc, 15 nhân viên tư vấn, trực 3 ca/ngày); Miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng (tiếp nhận 16 tỉnh, 5 nhân viên tư vấn, trực từ 7h đến19h hàng ngày) và miền Nam tại An Giang (tiếp nhận cuộc gọi từ 19 tỉnh, 5 nhân viên tư vấn, trực từ 7h đến19h hàng ngày).
Bà Thuận cho biết từ quý 4 năm 2021 đến nay, đường dây nóng đã tiếp nhận 527 cuộc gọi chuyển tuyến, trong đó có tới 79 ca bị mua bán sang Campuchia với 91 nạn nhân.
Số nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia có dấu hiệu tăng lên trong năm nay. Theo đó, nếu như quý 4 năm 2021 chỉ có 4 ca với 4 nạn nhân thì từ 1/1/2022-30/9/2022 có 75 ca với 86 nạn nhân.
“Trong đó 86,8% (79 nạn nhân là nam), 13, 2% nạn nhân là nữ (12 trường hợp). Hầu hết nạn nhân là người dân tộc Kinh (97,8%) chỉ 2 nạn nhân (chiếm 2,2%) là người dân tộc thiếu số (Hmong và Dao) gọi điện đến tổng đài chúng tôi cần trợ giúp”, bà Thuận thông tin.
Qua phân loại các cuộc gọi cầu cứu của nạn nhân buôn bán người, bà Thuận cho biết có 4 nạn nhân là trẻ em từ 11-14 tuổi (4,4%); 13 nạn nhân là trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi (14,3%); 9 nạn nhân là người từ 16 đến dưới 18 tuổi (9,9%) và 65 nạn nhân là người trên 18 tuổi (71,4%).
Đáng chú ý, 90 nạn nhân bị mua bán với mục đích bóc lột sức lao động, 1 nạn nhân chưa xác định được mục đích mua bán. Các nạn nhân ở 42 tỉnh/thành phố, trong đó một số địa phương có nạn nhân cao như: Bắc Giang (10 nạn nhân), TP.HCM (08 nạn nhân); Bình Dương (06 nạn nhân); Hải Phòng (05 nạn nhân); Hải Dương (04 nạn nhân); Đồng Nai, Hà Nội, Tây Ninh, Thái Nguyên mỗi địa phương có 3 nạn nhân.
Bà Thuận cho biết, ngay sau khi nhận được các cuộc gọi cầu cứu, đường dây nóng đã chuyển tuyến các ca mua bán người sang các cơ quan liên quan: Công an, ngành Lao động, thương binh và xã hội (LĐ, TB & XH) và tổ chức quốc tế Hagar.
Kết quả là trong số 90 nạn nhân có 10 nạn nhân được công an 2 nước phối hợp với tổ chức Hagar giải cứu thành công và được hỗ trợ về tâm lý, pháp lý, học nghề; 11 nạn nhân được gia đình nộp tiền chuộc đưa về và được Tổng đài hỗ trợ về tâm lý và pháp lý; 8 nạn nhân sau khi bị mua bán trở về và 2 nạn nhân tự tìm cách trốn về được địa phương được ngành LĐ, TB & XH hỗ trợ về tài chính, pháp lý, tâm lý; 5 nạn nhân mất liên lạc; 1 nạn nhân lựa chọn ở lại làm việc; các nạn nhân còn lại đang ở Campuchia chờ giải cứu.
Trong suốt quá trình hỗ trợ các nạn nhân mua bán người, bà Thuận nhận thấy có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn.
Trước hết, về mặt thuận lợi, việc quản lý và vận hành đường dây nóng bởi đơn vị có kinh nghiệm (bao gồm đội ngũ nhân viên tư vấn). Các cơ sở pháp lý của hoạt động hỗ trợ trẻ em và nạn nhân buôn bán người đã được đưa vào Chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025, Nghị định 09/2013 chờ sửa đổi Luật Phòng chống mua bán người...
Đường dây nóng cũng đã xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động của đường dây nóng; có đầu mối kết nối ở các tỉnh/thành phố. Đặc biệt, quy trình hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại, trong đó có cả trẻ em bị mua bán, đã được quy định trong văn bản pháp lý.
“Hơn thế nữa, đường dây cũng nhận được nhiều hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế (JICA, Hagar, RỒNG XANH, IOM, WVi...). Đây là những hỗ trợ thiết thực để đường dây nóng hoạt động hiệu quả hơn”, bà Thuận cho hay.
Bên cạnh những mặt thuận lợi kể trên, bà Thuận cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong công tác phòng chống buôn bán người ở trẻ em, được rút ra từ thực tiễn trực tổng đài 111.
Khó khăn đầu tiên là nhận của người dân còn hạn chế, dễ dàng tin tưởng vào những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội.
“Từ thực tế này cho thấy chúng ta cần phải tăng cường công tác truyền thông, phòng chống nạn buôn bán người”, bà Thuận thông tin.
Khó khăn thứ hai là việc giải cứu các nạn nhân cần đợi Công an tiến hành các thủ tục xác minh nên mất rất nhiều thời gian. Các gia đình sốt ruột và lo lắng về sự an toàn của người thân nên đã tự thỏa thuận và đáp ứng yêu cầu của thủ phạm để nạn nhân được trở về.
Theo Bà Giang Thị Thu Thủy - Giám đốc điều hành tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam, thống kê của Bộ Công an cho thấy, tính từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ buôn bán người, bắt giữ được gần 1.700 đối tượng đã lừa bán gần 3.000 nạn nhân.
Các đối tượng buôn bán người sẽ dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, hình thành nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Đáng ngại là nạn nhân chủ yếu bị bán sang các nước láng giềng của Việt Nam (chiếm khoảng 86%).
Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, trong tổng số 40 vụ mua bán người trên toàn quốc, số vụ mua bán người được phát hiện, điều tra liên quan đến địa bàn Campuchia chiếm 17,5%. Các vụ việc tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Campuchia được phát hiện tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Đắk Lắk, Lào Cai, Thanh Hóa, Nam Định, Gia Lai… Đến nay, đã có 183 công dân được giải cứu hoặc tự trở về từ Campuchia.
N. Huyền