Tìm cơ hội xuất khẩu hàng hóa sau đại dịch
Dịch bệnh dần được khống chế tại Trung Quốc, thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam đang mở ra hy vọng phụ hồi xuất khẩu sau đại dịch
Theo thống kê, cán cân thương mại của Việt Nam quý I thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng kết quả này cho thấy, các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã có hiệu quả.
Dịch Covid-19 bước đầu được khống chế tại Trung Quốc, sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này trong thời gian tới. |
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%), thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay.
Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước có kim ngạch xuất khẩu đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân chung cả nước. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Do dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc sau Tết Nguyên đán, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ ngừng trệ. Sau những nỗ lực của cơ quan có trách nhiệm, hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt - Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn.
Tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 11,5%; Hàn Quốc giảm 2,7%; Nhật Bản tăng 3,5%...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh tới nguồn cung của Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã chủ động kết nối với các hiệp hội ngành hàng của nước sở tại và của Việt Nam nhằm tranh thủ cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn. Tính riêng trong tháng 3/2020, Thương vụ đã kết nối được hơn 20 đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, ước đạt khoảng 500 tấn hàng hóa, gồm đa dạng các mặt hàng như cà phê, mì ăn liền, khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long...
Bà Trần Thu Quỳnh nhận định, dù dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng đang tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu và tạo dựng chỗ đứng vững chắc tại thị trường Singapore. Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã đề xuất với Văn phòng Đại diện Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, theo đó, đối với các đơn hàng xuất sang Singapore, Vietnam Airlines sẽ dành ưu đãi mức giá vận chuyển thấp hơn so với thị trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Trung Quốc chiếm trên 33% thị phần của ngành cá tra. Do dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kỳ và chắc chắn sẽ còn giảm mạnh do dịch vẫn tiếp diễn.
Khó khăn ở thị trường Trung Quốc là động lực để các DN tìm kiếm thị trường mới. Theo VASEP, một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số thứ 2 thế giới, khi các DN tại Ấn chưa sản xuất được thịt cá tra thương phẩm chất lượng như Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới. Hiện tại các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn tới thiếu hụt nguồn cung tại thị trường EU, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam.
Đối với thị trường Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này và quan trọng hơn nữa khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.
Bộ Công Thương, dù dịch bệnh gây nhiều trở ngại cho xuất khẩu hàng hóa song vẫn có những hy vọng tích cực, dịch đã bước đầu được khống chế tại Trung Quốc, sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này trong thời gian tới.