Thưởng Tết "khủng": Ông chủ "tự sướng"!?
Trao đổi với PV ngày 20/12, ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng BQL KCX – KCN TP.HCM (HEPZA) cho biết, số lượng các doanh nghiệp (DN) báo cáo về chuyện lương, thưởng tết càng ngày càng giảm đi. Bởi không có chế tài nào về việc buộc DN phải báo cáo nên các con số DN đưa lên không đầy đủ. Tính đến thời điểm này, HEPZA mới nhận được báo cáo của 150 doanh nghiệp về thưởng Tết Giáp Ngọ 2014.
Tuy nhiên, các DN này vẫn chưa tiết lộ rõ con số sẽ thưởng cho người lao động cao nhất và thấp nhất là bao nhiêu, thuộc ngành nghề nào. 150 DN chỉ cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng họ cũng đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động với mức thưởng bình quân là một tháng lương, chưa kể phụ cấp. Trong đó, mức lương bình quân của DN trong nước là 3.260.000 đồng, DN FDI cao hơn với 4.720.000 đồng. Thời gian phát thưởng tết từ ngày 15 – 29/1/2014. Thời gian nghỉ tết từ ngày 28/1 – 29/1/2014.
Theo ông Lâm, đây là thời điểm các DN “run” nhất khi tiết lộ con số thưởng tết. Bởi trong những năm trước khi Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đưa ra mức thưởng Tết cao nhất lên đến gần nửa tỷ, trong khi mức thấp nhất chỉ có hơn 300.000 đồng. Điều này khiến dư luận và người lao động không khỏi nghi vấn: Tại sao DN đó công bố mức thưởng “khủng” như vậy, trong khi thực tế, lương, thưởng của công nhân lẹt đẹt. Hay tại sao mức thưởng “khủng” đó không dành cho người lao động mà đơn giản đó là phần thưởng “tự sướng” của ông chủ dành cho… ông chủ!
“Thưởng cao nhất thường chỉ có cá biệt 1 người là người đứng đầu của công ty đó thôi. Còn mức thấp nhất thường rơi vào những công nhân mới chỉ xin vào làm DN đó trong khoảng thời gian rất ngắn, chừng 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, DN đó vẫn có mức thưởng cho công nhân chia theo bình quân 12 tháng mà thôi”, ông Lâm giải thích.
Cũng theo ông Lâm, hiện tại không có một tiêu chí, một chuẩn nào để có thể biết có bao nhiêu DN thưởng Tết cao nhất và thấp nhất.
HEPZA cho biết thêm, từ đầu năm đến nay có 20 dự án khó khăn phải tạm ngưng hoạt động hoặc dừng hẳn. Trong đó có 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 18,379 triệu USD, 7 dự án trong nước với tổng vốn 122,8 tỷ đồng. 32 dự án thanh lý trước thời hạn và 35 dự án gặp khó khăn phải giảm 20 – 30% công suất.