Thức thách việc làm với giới trẻ ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0
Theo ASEAN Post, thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo dấu ấn trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp cho tới nghiên cứu chuyên ngành từ đó thúc đẩy quá trình, tăng năng suất và giảm chi phí.
Giới trẻ ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức trong công việc giữa thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0. (Ảnh minh họa) |
Chiến lược “sản xuất phục vụ xuất khẩu” được xem là trụ cột kinh tế của phần lớn các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vòng 20 năm qua nhưng với sự ra đời của hàng loạt công nghệ mới như người máy và tự động hóa, những công việc chỉ mang lại năng suất thấp và ít dùng kỹ năng đang dần biến mất.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đứng trước rủi ro cao, do bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng hai thập niên tới.
Hiện nay, nhiều ngành nghề không còn tồn tại. Các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tin rằng, tốc độ biến mất này sẽ ngày càng tăng tốc. Trong khi đó, một kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 65% trẻ em đang học tiểu học, trong tương lai sẽ làm những công việc mà hiện nay chưa xuất hiện. Đây đang là xu hướng trên thế giới và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng không ngoại lệ.
Cho đến nay, lao động tay nghề thấp, giá rẻ vẫn là lợi thế cạnh tranh của nhiều nền kinh tế ở châu Á. Trong tương lai, khi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, các luồng dữ liệu xuyên biên giới được sử dụng trong hệ thống sản xuất toàn cầu, lực lượng lao động đứng trước yêu cầu phải tự nâng cao năng lực để nắm bắt những công nghệ này.
Các chuyên gia dự báo, khoảng 10 năm nữa, những lĩnh vực như giao thông vận tải, hậu cần, bán hàng, quản lý, kinh doanh và tài chính dự kiến sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Những ngành nghề như kỹ sư phần mềm, y dược và năng lượng tái tạo cũng nằm trong nhóm có nhu cầu ngày càng tăng. Để tận dụng những cơ hội này, các quốc gia Đông Nam Á cần phải có kế hoạch rõ ràng để đào tạo các kỹ năng mới cho lực lượng lao động.
Tuy nhiên, trong khối ASEAN, chưa tới 5% giới trẻ tin rằng những kỹ năng hiện tại của họ liên quan tới cuộc sống cả đời. Do đó, việc nâng tầm nhận thức về tầm quan trọng cũng như những nhu cầu cấp bách về vấn đề đào tạo công nghệ cho giới trẻ đang là mối quan tâm hàng đầu của khu vực.
Theo cuộc khảo sát được WEF công bố hồi tháng Bảy, trên 56,000 thanh niên ASEAN độ tuổi từ 15 - 35, 52% số người trả lời cho biết họ cần được nâng cao kỹ năng liên tục và chỉ có 18% tin rằng kỹ năng của họ sẽ có thể được sử dụng suốt sự nghiệp. Với sự phát triển nhanh của công nghệ trong kỷ nguyên số hóa, các công ty đòi hỏi người lao động trẻ cần có trình độ công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành lập trình, phần mềm, phân tích dữ liệu. Cuộc khảo sát này được WEF thực hiện tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Phá vỡ thị trường lao động
“Thật khó để đoán được trước công nghệ sẽ làm thay đổi tương lai của thị trường lao động như thế nào”, ông Justin Wood, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ủy viên Ban chấp hành WEF chia sẻ.
Cũng theo ông Wood, “điều chắc chắn mà các thị trường lao động phải đối mặt là sự phá vỡ ngày càng gia tăng khi mà tuổi thọ của nhiều kỹ năng ngày càng ngắn hơn. Điều này khiến giới trẻ ASEAN cần nhận thức được những thách thức và duy trì việc học cả đời”.
Hồi tháng 9/2018, ông Wood từng đưa ra nhận định lực lượng lao động đông đảo và giá nhân công rẻ từng là thế mạnh của Việt Nam trong vài thập niên qua nhưng nó lại là trở lực trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Cụ thể, nhắc đến những thách thức lớn nhất với Việt Nam, ông Wood cho rằng đó chính là lực lượng lao động. Đây là điều mà không chỉ Việt Nam mà các nước ASEAN khác cũng như cả thế giới đang phải đối mặt.
Việt Nam vẫn được coi là quốc gia có lực lượng lao động trẻ và đang trong giai đoạn tăng trưởng. Theo các số liệu, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong 15 năm tới. Quá trình gia tăng lao động diễn ra đồng thời quãng thời gian Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, lần này, cơ hội không còn nằm trong tay các quốc gia có lực lượng lao động trẻ và rẻ.
"Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra rất nhiều thách thức đối với vấn đề việc làm, nhất là khi lực lượng lao động truyền thống với những đòi hỏi thấp sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và robot hóa. Công việc của họ trên các dây chuyền sản xuất, vốn có tính lặp đi lặp lại cao, sẽ bị thay thế. Các phương tiện tự hành cũng xuất hiện nhiều hơn. Đây là thách thức lớn nhất", ông Wood nhấn mạnh.
Nhận thấy những vấn đề vướng mắc đối với lực lượng lao động trẻ ASEAN trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình Tầm nhìn Kỹ năng số ASEAN 2020 được WEF tổ chức vào tháng 11/2018 đã tạo ra thêm cơ hội thực tập và nghiên cứu cho giới trẻ ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách hiểu biết.
Trong đó, một số tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở ASEAN như Google, Grab và Microsoft đã tham gia chương trình này và hiện tập trung đào tạo cho 20 triệu nhân lực có kỹ năng số trong khu vực. Sau 8 tháng, chương trình đã đào tạo được gần 9 triệu nhân lực tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cung cấp hơn 30.000 cơ hội thực tập.