Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử
Nhằm tăng cường thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao ý thức kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo các quyền của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) xây dựng Bộ quy tắc hướng dẫn Kinh doanh có trách nhiệm dành cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chương trình giới thiệu sáng kiến “Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong Thương mại điện tử Việt Nam” vừa được tổ chức mới đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động sẽ được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và UNDP tại Việt Nam phối hợp triển khai trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận và đang thực hiện tốt trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thực hiện trách nhiệm xã hội và trách nhiệm đối với người tiêu dùng nói riêng, qua đó tạo nên thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.
Các trách nhiệm này thường được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau như bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng xã hội, bảo đảm an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng, quan hệ tốt với người lao động,... Hơn nữa, đã có nhiều doanh nghiệp tiên phong hướng đến phát triển bền vững. Nhờ đó, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Một trong những lĩnh vực đang được xã hội và các doanh nghiệp quan tâm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm hiện nay là thương mại điện tử. Đặc biệt việc sử dụng phương thức này trong tiêu dùng đã gia tăng mạnh mẽ hơn trong và sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà thời gian qua số lượng người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng trên các sàn, website thương mại điện tử, mạng xã hội… đã tăng lên nhanh chóng; cùng với đó thì các rủi ro như lừa đảo, gian lận thương mại cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong lĩnh vực này.
Chính vì vậy, thúc đẩy việc kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp nhưng cũng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội, nhằm thúc đẩy và bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các trách nhiệm cao hơn.
Trên cơ sở đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã cùng UNDP Việt Nam đề xuất sáng kiến xây dựng Bộ quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử áp dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa trên sàn, website thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng số trung gian.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc ban hành Bộ quy tắc hướng dẫn nói trên là vô cùng cần thiết, bởi 3 lý do chính. Một là, các giao dịch trực tuyến đang nở rộ hơn bao giờ hết và chúng sẽ tồn tại mãi mãi trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay. Hai là, bên cạnh những điểm ưu việt thì mua sắm trực tuyến vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ và tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội và môi trường. Ba là, việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử là việc làm cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn và kỳ vọng đặt ra trong Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua trong năm 2023.
Ngay sau lễ giới thiệu là chương trình Toạ đàm về “Các cơ chế và biện pháp thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam - Vai trò các bên liên quan”. Các diễn giả đến từ UNDP Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các doanh nghiệp như Uniqlo, GS25, Lazada, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và người tiêu dùng trẻ đã cùng tham gia trao đổi về một số vấn đề liên quan đến sáng kiến. Các bên đều đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành Bộ quy tắc cũng như bày tỏ sự tích cực hưởng ứng, đồng hành tham gia trong quá trình xây dựng và triển khai thúc đẩy áp dụng Bộ quy tắc.
Nam Phương