Thói quen ăn cơm chan canh, triệu người Việt đang tự phá hỏng dạ dày
Ăn cơm chan canh là thói quen của rất nhiều người vì nước canh khiến chúng ta ăn dễ dàng, ngon miệng hơn. Thói quen này cũng được các ông bố, bà mẹ áp dụng cho trẻ nhỏ khá thường xuyên. Theo các bác sĩ, đây là sai lầm
Nhà chị Hạnh (Cầu Diễn) có con lên 2 tuổi. Sợ con không nhai được, nên bà mẹ 3 con thường trộn cơm, thức ăn rồi chan canh cho con ăn. Thi thoảng nhà có tiệc, chị lại mua thêm nước ngọt, nước hoa quả cho con uống trong bữa ăn.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, thói quen chan cơm với canh là sai lầm mà nguyên nhân là nước sẽ làm loãng dịch vị, khiến thức ăn trong dạ dày chưa kịp tiêu hóa đã vào ruột non, dễ gây các bệnh về tiêu hóa.
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – nguyên Giảng viên Khoa Công nghệ Thực Phẩm – Mổ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, người ăn cơm chan canh thường ăn vội ăn vàng, nuốt cho bằng được, nuốt cả cơm, thức ăn và canh vào bụng.
“Giống như uống thuốc, thuốc trôi vào trong bụng phải tự tan ra, rất lâu mới ngấm vào máu, trong nhiều trường hợp thuốc không tan được.
Cơm cũng thế nếu nuốt ào ào vào, dạ dày không phải máy nghiền mà chỉ có hệ thống enzim tiết ra để phân giải, khi phân giải không được thì sẽ thải ra. Như thế hệ số tiêu hoá của việc ăn cơm chan canh rất thấp.
Do vậy việc ăn cơm chan canh tưởng nhiều mà được ít. Ăn ba bát nhưng có khi chỉ bằng 1 – 1,5 bát so với người ăn kỹ”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Hơn nữa, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng nhấn mạnh, ăn cơm chan canh không tiêu được gây ra hiện tượng ứ đọng ở dạ dày sẽ lên men chua lâu dài làm hỏng dạ dày.
Do đó, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, người dân nên duy trì cách ăn tốt cho sức khoẻ - ăn kỹ no lâu.
Các bác sĩ cũng lý giải, việc nhai kỹ thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, rất có lợi cho sức khỏe.
Đối với trẻ nhỏ, chan nước canh khiến trẻ ăn nhanh, no ảo, dẫn tới thiếu chất. Về lâu dài, thói quen này sẽ tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ.
“Lưu ý đây là ăn chứ không phải uống, do đó bất cứ cái gì cũng phải nhai kỹ. Tất nhiên trong bữa ăn bao giờ cũng có nước (canh), người ăn có thể ăn cơm xong uống nước canh, trẻ con có thể uống thêm nước thường.
Không sử dụng nước ngọt, nước có gas trong bữa ăn (đặc biệt đối với trẻ nhỏ), bởi đó không phải là loại nước cần thiết cho con người mà chỉ là đưa đẩy vừa lãng phí tiền mà lại không có tác dụng. Thậm chí nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác hại của những loại nước này.
Người không ăn kiêng nên cuối bữa mới uống nước canh, ăn xong mới uống chứ đừng vừa uống vừa ăn. Nhai cho kỹ rồi mới nuốt, theo các nhà dinh dưỡng tính toán mỗi lần nhai phải há mồm lên xuống ít nhất 30 lần mới nuốt. Nếu thực hiện được điều này thì cơm, thức ăn được nghiền rất nhỏ, tăng sự hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Cứ vội vội vàng vàng nuốt cho bằng được tưởng ăn như thế đã xong, cơm đã đầy bụng rồi nhưng hiệu quả thấp, kết quả là vẫn đói. Vì việc làm này tạo cảm giác no giả và ít giá trị dinh dưỡng.
“Đói ở đây không phải trong bụng không có cái gì mà đói trong máu. Khi máu đói chất dinh dưỡng sẽ khiến con người cảm thấy đói. Nếu máu đầy chất dinh dưỡng sẽ không có cảm giác đói.
Ngoài ra, khi ăn cần nhai kỹ, không nói chuyện, không xem tivi, đọc sách trong khi ăn,… để bữa ăn đạt giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo tái tạo sức khỏe để học tập và làm việc”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Nên uống nước canh sau bữa ăn (đối với những người giảm béo có thể ăn canh trước để tạo cảm giác no bụng).
Ăn từ từ, nhai kỹ để cảm nhận hết vị của món ăn, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan phối hợp hoạt động nhịp nhàng.
Không nên sử dụng đồ uống có ga trong bữa cơm, do lượng carbon dioxide dễ làm tăng áp lực, dẫn tới giãn dạ dày cấp.
Trong trường hợp cơm khô, khó nuốt, có thể chan ít nước thịt, hoặc nước canh để dễ nhai hơn. Nhưng cần phải nhai kỹ.
Tập trung ăn cơm, không nói chuyện khi ăn, vừa ăn vừa xem TV, đọc truyện,…
N. Huyền