Vay ngân hàng được dỗ ngon lãi suất thấp, gật đầu mới ngã ngửa vì mua "bia kèm lạc"
Khách đến ngân hàng xin vay, nhân viên tín dụng mời chào nếu gửi tiết kiệm trong thời gian vay sẽ được giảm 2% lãi suất. Gật đầu, khi nhận tiền vay khách ngã ngửa vì cái gọi là “gửi tiết kiệm” đó chính là ký hợp đồng “mua bảo hiểm nhân thọ”
Phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2009, nhưng chỉ thực sự nở rộ trong 3 năm gần đây khi hàng loạt ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ ký kết hợp tác.
Một tấm ảnh hài hước được cư dân mạng truyền nhau trong những ngày gần đây, nói về một người đội tấm khăn trùm kín mặt có dòng chữ “VIB”, nhưng khi lột tấm khăn ra, trên mặt người này lại có dòng chữ “Pru...",một hãng bảo hiểm hợp tác với ngân hàng này.
Đây chỉ là một ảnh chế theo phong cách hài hước, nhưng lại phản ánh phần nào thực trạng hiện nay ở các ngân hàng. Đó là khi ngân hàng nào cũng ký hợp đồng phân phối sản phẩm cho các công ty bảo hiểm nhân thọ. Công ty bảo hiểm kinh doanh nhờ liên kết thương hiệu ngân hàng, tận dụng nguồn khách hàng sẵn có của ngân hàng liên kết.
Những thương vụ độc quyền này đem lại nguồn thu không nhỏ cho các ngân hàng, nhưng cũng tạo ra áp lực cho các nhân viên ngân hàng, cũng như sự khó chịu của khách hàng khi bị dẫn dụ mua bảo hiểm nếu khi ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng.
Truyền thông mạnh nhất cho việc ký kết hợp tác với công ty bảo hiểm nhân thọ phải kể đến Vietcombank. Nhà băng này có một chiến dịch quảng bá rầm rộ cho việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD (Hồng Kong), có thể nói mức độ rầm rộ còn hơn cả chiến dịch quảng bá cho sản phẩm VCB Digital.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank khi nói trước đại hội cổ đông về thoả thuận ký với FWD, chỉ tiết lộ đây là nội dung thuộc “bảo mật thông tin hai bên” nên không thể công bố, chỉ biết rằng đây là con số cao kỷ lục của một công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng Việt Nam.
Viecombank hợp tác với hãng bảo hiểm FWD (Hồng Kong) phân phối các sản phẩm. |
Trước đó, hãng bảo hiểm tới từ Hồng Kông còn giành được hợp đồng phân phối độc quyền với ngân hàng ACB từ cuối năm 2019.
Thậm chí, các hợp đồng độc quyền này thường kéo dài lên đến 15 năm, như trường hợp của VPBank và hãng bảo hiểm của Mỹ, AIA.
Tương tự, Prudential và ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận hợp tác bancassurance độc quyền 15 năm.
Ngoài những cuộc “hôn nhân” nói trên, có thể kể đến những “cuộc tình” khác và đều được cam kết kéo dài 15 năm như: Techcombank – Manulife; SCB – Manulife; TPBank – Sunlife; Vietinbank – Aviva; Ngân hàng UOB Việt Nam – Bảo hiểm Bảo Việt;…
Các thương vụ banca độc quyền không chỉ lập tức tạo ra một khoản thu nhập "khủng" cho các ngân hàng mà còn tạo ra dòng thu nhập định kỳ ổn định trong tương lai.
Dẫu vậy, việc các ngân hàng chạy quá coi trọng mảng bảo hiểm đã khiến các ngân hàng tạo ra một sức ép rất lớn cho nhân viên trong việc đem về các hợp đồng bảo hiểm.
Số lượng và giá trị hợp đồng bảo hiểm đem về cho ngân hàng được tính vào KPI, đồng nghĩa với việc thu nhập, thậm chí chỗ đứng của nhân viên ngân hàng phụ thuộc phần lớn vào việc này.
Hầu hết các ngân hàng có liên kết bảo hiểm đều “cài” thêm yêu cầu gần như bắt buộc đối với khách hàng khi vay vốn, đó là mua gói bảo hiểm nhân thọ. Với những nhân viên ngân hàng tư vấn có tâm, họ sẽ giải thích ngay từ đầu, nhưng cũng có những trường hợp tư vấn mập mờ, mời khách hàng mua gói bảo hiểm dưới tên gọi “gói tiết kiệm".
Vay ngân hàng được dỗ ngon lãi suất thấp, gật đầu mới ngã ngửa vì phải mua "bia kèm lạc" |
Anh Nguyễn Hùng, một khách hàng vay chia sẻ, khi tư vấn khoản vay, nhân viên tín dụng ngân hàng cho biết nếu gửi tiết kiệm trong thời gian vay sẽ được giảm 2% lãi suất vay. Sau khi trả xong khoản vay có thể rút ra khoản tiết kiệm đó.
“Mình thấy cũng hợp lý, vừa giảm được lãi suất vay, trong khi 3 năm sau còn có được khoản tiết kiệm 36 triệu đồng, khoản tiết kiệm này cũng được tính lãi 5% năm. Mình ký vào các giấy tờ cần thiết để vay”, anh Nguyễn Hùng chia sẻ trên một diễn đàn.
Tuy nhiên, khi chuẩn bị nhận tiền vay anh Hùng mới ngã ngửa nhận ra cái gọi là “gửi tiết kiệm” mà nhân viên tư vấn đó mời chào lại chính là “mua bảo hiểm nhân thọ”.
“Thật sự lúc này không còn đường lui nữa, vì đã ký hợp đồng vay và giải ngân,…. Gói bảo hiểm này phải đóng 12 triệu đồng/năm và năm đầu tiên phải đóng trước từ ít nhất 6 tháng. Lúc đó tôi vay 60 triệu, nghĩa là chỉ được cầm về 54 triệu đồng”.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico – cho rằng, rất khó để xác định ngân hàng đã vi phạm quy định gì trong việc ép khách hàng mua bảo hiểm, bởi dù có ép buộc như thế nào thì trên hợp đồng vẫn thể hiện hai chữ…“tự nguyện”.
Tuy nhiên, Luật sư Đức cho rằng việc ngân hàng tranh thủ bán bảo hiểm nhân thọ đã bộc lộ quá nhiều bất cập, gây bức xúc cho khách hàng.
“Bảo hiểm nhân thọ một khi đã bị lạm dụng sẽ làm tăng chi phí vay vốn quá nhiều cho khách hàng. Nhiều khách hàng kêu than tiền mua bảo hiểm còn nhiều hơn cả lãi vay, nhất là đối với khách hàng vay ngắn hạn” – Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Luật sư cho rằng sự méo mó, biến dạng thể hiện qua việc ngân hàng không còn vì mục tiêu an toàn vốn của mình nữa mà vì chỉ tiêu, vì nguồn lợi từ thu phí dịch vụ, dẫn đến tình trạng bắt ép khách hàng mua bảo hiểm khi không cần thiết.
Hơn nữa, việc bán bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng đem lại nguồn lợi quá lớn cho ngân hàng khi tỷ lệ ăn chia giữa ngân hàng (đại lý) với công ty bảo hiểm là quá cao. Đã có hiện tượng nhiều công ty bảo hiểm chi trả hoa hồng vượt quá tỷ lệ do Bộ Tài chính quy định, thậm chí gấp rưỡi hoặc gấp đôi.
Điều vô lý ở chỗ, ngành ngân hàng từ mục tiêu ban đầu là bảo vệ an toàn vốn vay, hỗ trợ khách hàng nên đáng lý phải miễn phí trong việc này, việc bán bảo hiểm chỉ nên là giá trị gia tăng, phục vụ chức năng chính của ngân hàng là cho vay, nhưng thực tế việc bán bảo hiểm của ngân hàng trở nên quá “ngon ăn”. Các đại lý bảo hiểm bên ngoài rất khó để thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, nhưng đã đến ngân hàng là buộc phải mua vì ngân hàng ở vị thế “cửa trên”.
Từ việc dễ dụ khách hàng, phí bảo hiểm được tăng lên, nhiều ngân hàng kiếm vài chục phần trăm từ dịch vụ thu phí bảo hiểm. Vì quá dễ dàng nên các ngân hàng giao chỉ tiêu cho nhân viên ngày một nhiều. Các công ty bảo hiểm cũng dựa vào đó để bán sản phẩm vì đã có một nguồn khách khổng lồ. Từ đó dẫn đến méo mó, cần phải xem lại.
“Nếu ngân hàng bán bảo hiểm một cách vô tư, chỉ hưởng hoa hồng ở mức cho phép thì không vấn đề gì, nhưng thực tế các ngân hàng hiện nay toàn ép buộc nhân viên bán bảo hiểm, dùng lợi thế của mình để ép buộc khách hàng phải mua”, luật sư Đức nói.
Ngân Giang
Dịch bệnh, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe bỗng tăng vọt
Ngược với đà giảm 10% của phân khúc bảo hiểm tai nạn cá nhân và mức giảm 3% của bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng vọt gần 70% so với cùng kỳ năm 2019.