Chứng khoán phiên cuối tuần: Có nên tiếp tục “đu đỉnh” với cổ phiếu dầu khí?
Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ucraina khiến cho chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm mạnh. Điều này rõ ràng đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên hôm qua, 24/2.
Song song đó, giá cả hàng hóa lại tăng cao trước lo ngại nguồn cung gián đoạn; riêng giá dầu Brent tăng mạnh gần 7% lên gần 104 USD/thùng, vượt mức 100USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 17,45 điểm (-1,15%) xuống 1.494,85 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với chỉ 75 mã tăng (12 mã tăng trần), 28 mã tham chiếu, có đến 396 mã giảm (8 mã giảm sàn).
Trong nhóm VN30 (-1,09%) có 25/30 mã giảm và đây là nguyên nhân chính tạo nên áp lực điều chỉnh lên thị trường, có thể kể đến TPB (-3,2%), CTG (-2,9%), HDB (-2,9%), VIC (-2,9%), VRE (-2,6%), KDH (-2,4%), TCB (-2,3%), BID (-2,2%), POW (-2,2%), STB (-2,1%)...
Ở chiều ngược lại, vẫn còn 5/30 mã là đi ngược thị trường chung VPB (+2,8%), BVH (+2,4%), GAS (+1,7%), MSN (+1,5%), PLX (+1,4%).
Giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng giúp cho nhóm cổ phiếu dầu khí hưởng lợi với đà tăng mạnh thời gian gần đây PVS (+4,8%), BSR (+2,5%), PVD (+6,3%), PLX (+1,4%), OIL (+4,6%), PSH (+5,8%), PVC (+9,6%), PVB (+9,8%), PVO (+14,3%)...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngành hóa chất cũng có diễn biến rất tích cực khi đồng loạt tăng mạnh hoặc tăng trần như DPM (+6,9%), DCM (+7%), DGC (+3,1%), LAS (+9,9%), DDV (+6,7%)...
Về diễn biến nhóm ngành, 8 trên 11 nhóm ngành giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Công nghiệp là nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất (-2,27%), do ảnh hưởng bởi các mã HPG (-1,50%), DIG (-6,02%), và VGC (-3,64%). Theo sau là nhóm ngành bất động sản (-1,66%), do tác động bởi các mã VIC (-2,91%), VHM (-1,01%) và NVL (-1,81%). Ngược lại, tăng mạnh nhất là nhóm năng lượng (+2,35%), nhờ sự hỗ trợ của các mã ngành xăng dầu nói trên.
Cổ phiếu ngành dầu khí đang hưởng lợi nhờ giá dầu thế giới tăng cao. |
Nhận định về thị trường trong những phiên tiếp theo, Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến cân bằng hơn trong những phiên tới khi căng thẳng giữa Nga và Ukraina giảm bớt.
Theo đó, VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong vùng hỗ trợ 1.480-1.492 điểm và vùng kháng cự 1.512-1.517 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì chiến lược giao dịch T+ ở giai đoạn hiện tại và nên mở vị thế mua các cổ phiếu có giá điều chỉnh hoặc đang tạo nền tích lũy thuộc các nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ, dầu khí, thủy sản, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng để chính thức quay trở lại xu hướng tăng, chỉ số VN-Index cần phải vượt qua kháng cự 1.512 với khối lượng giao dịch duy trì trên đường trung bình 50 ngày. Khi đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ đi lên vùng kháng cự tiếp theo tại 1.537 điểm.
Trong trường hợp ngược lại, VN-Index phá ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm trước tiên, rủi ro chỉ số này điều chỉnh giảm trở lại vùng 1.425 – 1.400 điểm vẫn còn.
Với những diễn biến trong phiên hôm qua, có thể thấy lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp vẫn là tương đối tốt để hỗ trợ thị trường. VN-Index tuy đánh mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vẫn kết phiên trên vùng hỗ trợ kỹ thuật 1.485-1.490 điểm. Điều này cho thấy là xu hướng tăng đã bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa chuyển sang pha tiêu cực.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nếu không có những leo thang trong căng thẳng giữa Nga và Ucraina, trong phiên giao dịch cuối tuần 25/2, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại để cố gắng lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
Tuy nhiên, SHS không quên cảnh báo các nhà đầu tư đã mua vào trước Tết Nguyên đán trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 như công ty này khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường có nhịp chỉnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 1/2022).
Không mấy lạc quan vào thị trường, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nỗ lực hỗ trợ cho thị trường của dòng tiền có thể giúp thị trường hồi phục ngắn, nhưng vẫn cần lưu ý áp lực bán tại vùng cản 1.505 điểm đối với VN-Index. Áp lực bán này có thể tiếp tục gây sức ép và tạo rủi ro cho thị trường.
Do vậy, NĐT cần cẩn trọng và cân nhắc các yếu tố rủi ro, đồng thời nên xem xét hạ tỷ trọng danh mục để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt tại những cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn hoặc xu hướng kém.
Dự báo trong phiên hôm nay, 25/2, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng những nỗ lực hồi phục cuối ngày hôm trước có thể tạo ra quán tính tăng điểm cho thị trường vào phiên sáng. Theo đó, chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại kháng cự vừa đánh mất tại vùng 1.500-1.506 điểm. Nếu có thể đóng cửa trên vùng này với thanh khoản duy trì ở mức cao, chỉ số sẽ phát ra tín hiệu quay trở lại đà tăng giá với kháng cự phía trên vẫn là vùng 1.515-1.530 điểm. Ngược lại, nếu lực cầu trong nhịp hồi không đủ mạnh để giúp VN-Index vượt lên trên mốc 1.500 điểm, chỉ số có thể sẽ đảo chiều giảm trở lại vào cuối ngày hoặc trong phiên sau đó. Ở kịch bản này, VN-Index sẽ kiểm định lại các hỗ trợ mạnh tại 1.488-1.490 điểm.
Hiền Anh
Chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro "bẫy giá tăng"?
Nhìn tổng quan thị trường cho thấy phe bán vẫn đang chi phối thị trường. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng bắt đầu cho tín hiệu điều chỉnh giảm để tích lũy ngắn hạn.