Thi thử đại học: Bộ GD&ĐT không khuyến khích
Trao đổi với PV, ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Trong Luật giáo dục chúng ta chỉ có khái niệm thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học. Trong quá trình học thì chúng ta kiểm tra kiến thức của thí sinh thì gọi là kiểm tra kỳ 1, kỳ 2... Về chuyện thi thử, đôi khi người dân, các trung tâm giáo dục hay lạm dụng"
Theo ông Chuẩn, trên thực tế, hàng năm có nhiều trường THPT đã kết hợp với các trung tâm đào tạo tổ chức các kỳ thi thử, điều đó cũng giúp các thí sinh biết được sức mình và chuẩn bị kỹ hơn cho kỳ thi thật.
Nhiều trường THPT kết hợp với các trung tâm đào tạo tổ chức thi thử đại học |
"Trong quá trình ôn tập, có nhiều người hỏi Bộ, có nên thi thử không và thi thử mấy lần thì phù hợp để học sinh, tổ chuyên môn, giáo viên, nhà trường để họ thực hiện tốt nhất và hiệu quả nhất?
Việc thi thử đại học, Bộ không khuyến khích. Để nắm được kiến thức của học sinh chúng ta không nên quan trọng hóa việc thi thử đại học, gây tốn kém cho học sinh, phụ huynh, cũng như ngành giáo dục địa phương đó” – ông Chuẩn cho biết.
Theo ông Chuẩn, trên thực tế việc thi thử hiện nay, đang bị biến tướng và không mang lại hiệu quả như nhiều người nghĩ. Những trung tâm luyện thi tổ chức thi thử đa phần chạy theo lợi nhuận mà quên đi những điều thí sinh cần. Nhiều nơi chỉ tổ chức cho có, để thu tiền lệ phí, đề thi không sát với chương trình học, việc trông thi cũng chỉ qua loa đại khái.
Theo ông Chuẩn, Bộ GD không khuyến khích việc thi thử đại học, sẽ gây tốn kém, hiệu quả không cao, học sinh lo lắng... |
Đề thi thử tại đây chủ yếu do chính những người dạy ở trung tâm, dựa theo kinh nghiệm và những đề thi đại học của những năm trước soạn thảo nên. Mức độ chính xác, khoa học, bám sát các chương trình học như lời quảng cáo của các trung tâm là chưa thể kiểm định chất lượng ra sao…
Ông Chuẩn phân tích thêm: “Theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT, mỗi phòng thi không quá 24 người, nhưng điều đó không được thực hiện tại những trung tâm hay các địa phương tổ chức thi thử. Mỗi phòng thi này đều được nhồi nhét các thí sinh hết cỡ.
Nếu thí sinh đăng ký dự thi đông, số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi thử có thể lên đến 50-60 người. Do số lượng thí sinh đông, nên việc trông thi cũng thiếu nghiêm ngặt. Cộng thêm việc, nhiều thí sinh sẵn tiền nên cũng tham gia thi thử cho vui khiến cho những cuộc thi thử càng ngày bị biến tướng, chất lượng giảm...”
Hiện nay, các trung tâm tổ chức thi thử nắm bắt được tâm lý nôn nóng, muốn thử sức mình của các thí sinh nên đã quảng cáo, tổ chức nhiều kỳ thi thử để thu lợi nhuận. Càng gần đến kỳ thi đại học, thì các địa phương tổ chức thi thử diễn ra càng nhiều.
"Những kỳ thi thử như vậy, phần nào chuẩn bị về tâm lý cho thí sinh trước khi bước vào kỳ thi thật nghiêm túc và đầy thử thách, nhưng cũng gây căng thẳng, lo lắng cho nhiều thí sinh. Ngoài ra, do đề thi không khoa học, dẫn tới chất lượng thi thử không đảm bảo, khiến nhiều thí sinh mang tâm lý hoang mang…" - Ông Chuẩn cho biết.
Ông Chuẩn khuyến cáo, việc các đơn vị, địa phương tổ chức thi thử đại học đó là do địa phương đó làm, do liên kết với các đơn vị trung tâm đào tạo tổ chức. Phần lớn đó là vì lợi nhuận, vì thu hút người học, ôn luyện... Vì vậy, việc này sẽ gây tốn kém không chỉ cho bản thân ngành giáo dục địa phương đó mà còn cho cả học sinh, phụ huynh…