Trung Quốc 'bối rối' khi Mỹ hỗ trợ Nhật Bản trên biển Hoa Đông
Sau hàng loạt các đòn dồn dập khiến Bắc Kinh không kịp “trở tay”, Washington bắt đầu tấn công vào “tử huyệt” của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Ngày 29/7, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider tuyên bố, Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản trong bất kỳ cuộc “đụng độ” nào với các tàu Trung Quốc ở biển Hoa Đông, trong đó, Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật Bản kiểm soát quần đảo Senkaku, nơi đang tranh chấp với Trung Quốc.
Tướng Kevin Schneider. Nguồn: huanqiu. |
"Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ Nhật Bản một cách tối đa trong giải quyết tình hình ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hỗ trợ suốt 365 ngày trong năm, 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần", ông Schneider nhấn mạnh.
Theo tuyên bố của vị tướng này, Mỹ có thể giúp theo dõi các hoạt động xâm nhập của các tàu Trung Quốc quanh các đảo trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát. Dự kiến, hoạt động của tàu Trung Quốc sẽ gia tăng tại biển Hoa Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa của Trung Quốc đơn phương áp đặt hết hiệu lực vào tháng 8/2020.
Theo dự báo của Mỹ, các tàu cá Trung Quốc, dưới sự hộ tống của hải cảnh và hải quân, sẽ tiến vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. Do vậy, nguy cơ không chỉ đến từ hải cảnh mà còn từ đội tàu cá của Trung Quốc, trong số đó có những tàu cá vũ trang của Bắc Kinh, đây sẽ là một thách thức thực sự đối với Nhật Bản.
Sau tuyên bố của tướng Schneider, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới chỉ đưa ra phản ứng một cách “yếu ớt” khi tuyên bố các đảo mà Mỹ đề cập là lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các bên đóng góp trách nhiệm cho ổn định khu vực.
Được biết, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu tiến vào vùng biển gần quần đảo mà nước này gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Quần đảo không người này hiện do Nhật Bản kiểm soát với tên gọi Senkaku. Mỹ không phải là bên có tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng khẳng định sẽ giúp đồng minh Tokyo chống lại bất cứ cuộc tấn công nào.
Theo Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, tần suất các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư ngày càng tăng trong 2 năm gần đây. Riêng năm 2019, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 1.097 vụ xâm nhập vùng nước xung quanh Senkaku của tàu Trung Quốc, trong đó có 126 lần các tàu này tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ “dậy sóng” trong thời gian tới? Nguồn: huanqiu. |
Về phía Nhật Bản, truyền thông Nhật Bản cho hay, với việc nhận được sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản sẽ có đủ khả năng đánh bại Hải quân Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột quy mô lớn ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư.
Một khi xảy ra xung đột, tàu ngầm Hải quân Mỹ sẽ tấn công và phong tỏa các cảng lớn của Trung Quốc để ngăn chặn Trung Quốc điều động ba hạm đội lớn của Hải quân nước này là Hạm Đội Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải bao vây các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Khi đó, Nhật Bản sẽ triển khai Đội tàu hộ tống số 2 ở thành phố Sasebo và Đội tàu hộ tống số 4 ở thành phố Kure, có thể đánh bại các tàu chiến Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Tuyên bố của Tướng Mỹ được đưa ra ngay sau khi bà Lisa Curtis, Giám đốc cấp cao đặc trách Nam và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định, Tổng thống Trump sẵn sàng chấp nhận “rủi ro hơn” trong đối phó với Trung Quốc. Phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Viện Brookings về "tầm ảnh hưởng gia tăng và chiến lược của Trung Quốc ở khu vực", bà Lisa Curtis cho biết, Mỹ sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc và mỗi bên sẽ phải làm quen với những đường hướng mới, Mỹ sẽ điều chỉnh chính sách của mình tại khu vực trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, đây tiếp tục là bước leo thang mới của Mỹ trong cuộc cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc. Thời gian qua, Mỹ đang tiến hành nhiều động thái triển khai chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình để cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc.
Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, chiến lược này của chính quyền Trump bao trùm khu vực rộng lớn trải dài từ Nam Á đến bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ. Bắc Kinh xem đây là nỗ lực tập hợp các cường quốc khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.
Những động thái của Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian vừa qua không rời rạc và chắp vá mà bài bản và hệ thống. Ông Trump và cộng sự tuy chưa cho thấy là đã định hình và kiên định theo đuổi một chiến lược nhất quán lâu dài đối với Trung Quốc nhưng thể hiện sợi chỉ đỏ xuyên suốt là không còn để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm và đều có thể làm được đối với Mỹ.
Những gì phía Mỹ đã làm với Trung Quốc trong thời gian vừa qua chỉ là khúc dạo đầu của quá trình Mỹ định hướng lại quan điểm chính sách đối với Trung Quốc và định hình lại toàn bộ mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Hiện, Mỹ bắt đầu “tấn công” Trung Quốc trên biển Hoa Đông sau hàng loạt các động thái ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Thời gian tới, khu vực này sẽ là “điểm nóng” tiếp theo trong “cuộc chơi” của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Đức Trí (lược dịch)