Căng thẳng leo thang, Iran 'trút giận' lên mô hình tàu sân bay Mỹ
Quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục nóng lên trong thời gian gần đây, sau khi tố Mỹ quấy rối máy bay, Iran đưa mô hình tàu sân bay Mỹ ra biển để “trút giận”.
Iran và Mỹ không ngừng xảy ra “va chạm” ở khu vực Trung Đông, mới đây, máy bay quân sự Mỹ hôm 23/7 đã chặn đường một máy bay chở khách mang số hiệu 1152 của hãng Mahan Air (Iran) bay qua khu vực biên giới giữa Syria và một số nước xung quanh.
Máy bay quân sự Mỹ đã tiếp cận nguy hiểm máy bay thương mại của Iran. Nguồn: Sina. |
Đài Press TV (Iran) hôm 27/7 cho biết, máy bay Mỹ đã quấy rối một máy bay chở khách của Iran đang hướng tới sân bay Beirut (Lebanon) hai lần trong sáu phút. Lần thứ nhất là khi máy bay 1152 bay qua vùng chiến lược Al-Tanf (Syria), gần biên giới Syria-Jordan-Iraq. Lần thứ hai xảy ra khi máy bay Iran vượt qua biên giới Syria-Lebanon. Hai lần xảy ra cách nhau sáu phút.
Các cuộc quấy rối của Mỹ đã làm phi công trên máy bay hành khách Iran buộc phải hạ độ cao để tránh va chạm với chiến đấu cơ Mỹ ở biên giới Syria-Lebanon, dẫn đến một số hành khách đã bị thương ở đầu do va vào trần máy bay khi máy bay hạ độ cao đột ngột.
Phát biểu về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM) Bill Urban cho biết, hoạt động của các tiêm kích F-15 Mỹ trong việc “kiểm tra” máy bay Iran là phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng Mỹ và liên quân đóng tại căn cứ Al-Tanf. Máy bay Mỹ duy trì khoảng cách an toàn 1.000 m với máy bay Iran, tuy nhiên, ông không nói rõ tại sao máy bay Mỹ cần kiểm tra một máy bay chở khách thông thường như vậy.
Sau khi xảy ra vụ việc, Iran đã bày tỏ sự tức giận và lên án mạnh mẽ Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 24/7 đã lên án việc Mỹ quấy rối máy bay dân dụng của Iran hoạt động theo lịch trình, gây nguy hiểm cho hành khách. Ông Zarif nói rằng chính phủ Mỹ phải bị ngăn chặn để tránh thảm họa sau này. Ngay sau đó, Đại sứ Iran tại Lebanon – ông Mohammad-Jalal Firouznia cho rằng, đây là ví dụ rõ ràng cho thấy những hành động khủng bố của Mỹ trong khu vực.
Ông Firouznia nhấn mạnh, “Hành động của các tiêm kích Mỹ là ví dụ rõ ràng về hành động khủng bố và hình sự của chính phủ Mỹ trong khu vực. Iran sẽ thực hiện tất cả biện pháp pháp lý cần thiết để lên án những hành động của các chiến cơ Mỹ”. Ông cũng khẳng định, Tehran sẽ đưa vấn đề này lên Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và các toà án liên quan.
Ảnh vệ tinh cho thấy xuồng cao tốc Iran (phía trên bên trái) đang tiếp cận mô hình tàu sân bay của Mỹ. Nguồn: Sina. |
Về phía Quân đội Iran, sau khi xảy ra vụ việc, có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội nước này đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận với nội dung đánh chìm tàu sân bay tương tự như đã tiến hành năm 2015. Hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies công bố hôm 27/7 cho thấy, Iran đã di chuyển một mô hình tàu sân bay Mỹ ra eo biển Hormuz. Giới phân tích cho rằng, động thái này có khả năng báo hiệu Tehran sớm sử dụng tàu sân bay giả này để tập trận bắn đạn thật.
Cuộc tập trận lần này có thể là cách đáp trả trực tiếp của Iran đối với việc tiêm kích F-15 của Mỹ áp sát máy bay dân dụng Iran vừa qua. Truyền thông nhà nước Iran cùng các quan chức Iran chưa lên tiếng về thông tin trên. Hạm đội 5 của hải quân Mỹ đóng ở Bahrain, vốn tuần tra các tuyến đường thủy Trung Đông, cũng chưa phản hồi.
Được biết, mô hình tàu sân bay này được mô phỏng giống tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ thường xuyên đi vào Vịnh Ba Tư từ eo biển Hormuz. Bản mô phỏng tàu sân bay Mỹ mang theo 16 mô hình tiêm kích, theo hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies. Tàu này dài khoảng 200 m, rộng 50 m. Tàu sân bay USS Nimitz thực tế dài hơn 300 m và rộng 75 m.
Tàu sân bay mô phỏng tàu sân bay Mỹ đã được Iran hoàn thành đầu tháng 6/2020 và neo đậu ở ngoài khơi bờ biển phía nam nước này. Mô hình này đã được các nhà phân tích quốc phòng và tình báo Mỹ phát hiện lần đầu tiên từ tháng 1/2020, giống như một mô hình từng được sử dụng tháng 2/2015 trong cuộc tập trận quân sự mang tên "Great Prophet 9" (Nhà tiên tri vĩ đại 9). Tại cuộc tập trận này Iran dùng thuyền máy nã hỏa lực tấn công tàu sân bay mô phỏng. Sau đó, các tên lửa đất đối hạm đã nhắm mục tiêu và tiêu diệt tàu sân bay mô phỏng.
Trong cuộc tập trận lần này, dường như Iran đang theo đuổi chiến thuật sử dụng tên lửa đạn đạo phối hợp với tàu chiến để tấn công tàu sân bay, khi mà trên tàu sân bay mô phỏng lần này, Iran đã dựng cả “hồng tâm” để làm đích ngắm cho tên lửa đạn đạo Fateh-110.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng, Iran sở hữu một số lượng nhỏ tàu mặt nước, chất lượng thấp, thậm chí các cuộc tấn công hàng loạt của tên lửa chống hạm cũng rất khó đánh trúng tàu sân bay Mỹ. Mối đe dọa duy nhất đối với tàu sân bay quân sự Mỹ là rải thủy lôi ở Vịnh Ba Tư và tăng cường tàu ngầm lớp Kilo ở đây.
Nga tính kế gì khi đưa ngày càng nhiều vũ khí hiện đại đến Libya?
Nga được cho là đưa nhiều loại vũ khí hiện đại đến Libya trong bối cảnh tình hình đất nước này đang “căng như dây đàn” và có nguy cơ leo thang thành cuộc chiến quy mô lớn.
Đức Trí (lược dịch)