Toàn cảnh cuộc họp báo thường niên năm 2020 của Tổng thống Putin
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên cuộc họp báo năm nay được tổ chức theo hội nghị truyền hình trực tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin kết nối từ dinh thự của ông ở Novo-Ogaryovo.
Cụ thể, hôm 17/12, theo Ban tổ chức, số lượng các nhà báo Nga và quốc tế có mặt ở Hội trường của Trung tâm thương mại quốc tế tại thủ đô Moscow chỉ khoảng 250 trên tổng số gần 800 người đã đăng ký.
Các nhà báo sẽ làm việc ở chế độ “một phần từ xa”. Những người có mặt trực tiếp ở Hội trường sẽ phải tuân thủ các biện pháp về an toàn vệ sinh dịch tễ như đeo khẩu trang, găng tay. Các phóng viên của các cơ quan truyền thông ở các vùng của Nga sẽ tham gia họp báo ở các địa điểm chuyên biệt được bố trí tại 8 thành phố, gồm: Tula, Saint Petersburg, Rostov-na-donu, Stavropol, Nizhny Novgorod, Yekaterinburg, Novosibirsk và Vladivostok.
Buổi họp báo lớn năm nay kéo dài 4 giờ 29 phút và trong sự kiện năm nay, người đứng đầu nước Nga đã trả lời hơn 50 câu hỏi của giới báo chí và người dân.
Vấn đề quốc tế
Trong cuộc họp báo thường niên năm 2020, Tổng thống Putin đã kêu gọi Mỹ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) mà theo kế hoạch sẽ hết hạn vào tháng 2 năm sau.
Tổng thống Putin cho rằng Mỹ đang gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới, đồng thời khẳng định Nga đang phát triển các vũ khí mới, trong đó có vũ khí siêu vượt âm, là để đối phó với các tên lửa hạt nhân của nước ngoài.
New START giữa Nga và Mỹ được các lãnh đạo Mỹ và Nga khi đó ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Thỏa thuận quy định, Nga và Mỹ mỗi năm hai lần phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện mang phóng tên lửa. Ngày 5/2/2018 là thời hạn chót để Nga và Mỹ đạt được các chỉ tiêu quy định trong New START và sau đó đến 5/2/2020, hai bên cần phải ký gia hạn hiệp ước.
Về vấn đề Nagorno-Karabakh, người đứng đầu nước Nga cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại khu vực này sẽ được tăng lên, nhưng phải có sự nhất trí của các bên xung đột.
Theo ông Putin, giao tranh bùng phát trở lại tại khu vực Nagorno-Karabakh trong năm nay không phải do sự can thiệp của nước ngoài mà là vấn đề tồn tại chưa giải quyết giữa Azerbaijan và Armenia. Hiện tình hình tại đây đang được kiểm soát, và ít xảy ra các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn kể từ sau khi các bên đạt được thỏa thuận này vào đầu tháng 11 vừa qua.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng không chỉ riêng một mình Nga, các bên trung gian quốc tế hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh cần phải biến lời nói thành hành động và giúp đỡ người dân tại khu vực này.
Trong khi đó, liên quan tình hình Belarus, ông Putin cho hay, nước này cần được tạo điều kiện để tự giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Theo ông Putin, chính Tổng thống Alexander Lukashenko cũng đã nhiều lần thể hiện mong muốn như vậy. Đồng thời, ông Putin chỉ trích sự can thiệp, sự hỗ trợ thông tin, tài chính của lực lượng đối lập từ nước ngoài đối với các cuộc biểu tình ở Belarus.
Về các quan hệ kinh tế quốc tế, Tổng thống Putin khẳnh định dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (North Stream 2) mang lại lợi nhuận kinh tế cho châu Âu, đặc biệt là Đức, quốc gia đang tham gia dự án này. Ông Putin đồng thời kêu gọi chính quyền mới của Mỹ, do Tổng thống đắc cử Joe Biden đứng đầu, sẽ tôn trọng lợi ích của châu Âu và Đức, thay vì “đòi hỏi các đồng minh bỏ qua lợi ích quốc gia”.
Trong vấn đề hợp tác quốc tế, Tổng thống Putin khẳng định sẵn sàng làm việc với các nhà lãnh đạo trên thế giới để giải quyết mọi vấn đề, trong đó đặt lợi ích của Nga lên hàng đầu. Trong quan hệ Nga-Mỹ, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ giúp giải quyết một số khó khăn trong quan hệ Moscow-Washington. Về quan hệ Nga-Trung Quốc, Tổng thống Putin cho rằng mối quan hệ giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “thiết thực và tin cậy”. Theo ông Putin, Moscow và Bắc Kinh có cùng lợi ích trong nhiều lĩnh vực.
Đại dịch Covid-19
Ngay từ đầu họp báo, Tổng thống Putin khẳng định Nga đã giải quyết các vấn đề của đại dịch tốt hơn nhiều quốc gia khác. Moscow có thể tự hào về các biện pháp giúp giữ nền kinh tế ổn định và duy trì các dịch vụ xã hội phát triển, gồm hệ thống y tế.
Ông Putin cho biết, hệ thống y tế của Nga đã đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Hiện tại Nga đã có 277.000 giường bệnh chuyên biệt để điều trị bệnh nhân Covid-19. Sản lượng khẩu trang tăng gấp 20 lần.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, ông Putin cho rằng, mức giảm 3,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga là mức giảm thấp hơn hầu hết các quốc gia hàng đầu trong Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ.
Ngoài ra, ông Putin cho biết ông vẫn chưa được tiêm vắc-xin Sputnik V song “chắc chắn sẽ tiêm phòng”. Ông Putin tuyên bố Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bào chế thành công và bắt đầu sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 mà ông mô tả là có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm vào khoảng 96-97% theo ý kiến các chuyên gia.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh vào đầu năm 2021, Nga sẽ sở hữu “hàng triệu liều vắc-xin (Sputnik V)”, đồng thời ca ngợi nỗ lực chống dịch của Nga. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến đại dịch.
Tổng thống Putin đã tổ chức họp báo lớn thường niên kể từ năm 2001, ngoại trừ giai đoạn ông làm Thủ tướng từ tháng 5/2008 đến tháng 5/2012. Tuy nhiên, vào năm 2012, sau khi ông được bầu lại làm nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ 6 năm, các cuộc họp báo lớn của ông đã được nối lại và trở thành một trong những sự kiện chính trị quan trọng được trông đợi tại Nga.
Một số hình ảnh từ cuộc họp báo thường niên năm 2020: (Ảnh: Kremlin)
Cậu bé Kyrgyzstan xin ông Putin được làm cổ đông của Gazprom
Mới đây, một cậu bé người Kyrgyzstan đã gửi thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để xin ông thực hiện ước mơ trong năm mới của mình.
Thanh Bình (lược dịch)