Thực hư Trung Quốc trao trả 10 binh sĩ cho Ấn Độ sau đụng độ biên giới?
Trung Quốc phủ nhận thông tin bắt giữ các binh sĩ Ấn Độ sau cuộc đụng độ ở vùng biên giới hồi đầu tuần này.
Quân đội Ấn Độ được tăng cường tới vùng biên giới sau vụ đụng độ với Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
“Trung Quốc không bắt giữ bất cứ binh sĩ nào của Ấn Độ”, RT dẫn tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian hôm 19/6.
Tuy nhiên, vào sáng ngày 19/6, truyền thông Ấn Độ lại đưa tin Bắc Kinh đã thả một nhóm 10 quân nhân bao gồm sĩ quan Ấn Độ. Ngoài ra, những người này được thả tự do và trao trả cho phía New Delhi sau các phiên đối thoại cấp cao giữa tướng quân đội hai nước.
Một nguồn tin ngoại giao Ấn Độ giấu tên chia sẻ với News18 rằng, tuyên bố của phát ngôn viên Zhao có thể được lý giải thông qua một thỏa thuận mà chính phủ Trung - Ấn đã ký kết nhưng không công khai nội dung trước dư luận.
Quân đội Ấn Độ vẫn chưa đưa ra lời bình luận liên quan tới việc nhóm 10 binh sĩ được Trung Quốc trao trả, mà chỉ cho hay hiện không còn binh sĩ nào “bị mất tích trong quá trình làm nhiệm vụ”. Ngoài ra, các quan chức Ấn Độ cũng phủ nhận thông tin binh sĩ nước này bị phía Trung Quốc giam cầm.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc đối đầu đẫm máu vào ngày 15/6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương. Vụ đụng độ xảy ra ở vùng tranh chấp phía bắc Kashmir mà Trung - Ấn cùng tuyên bố chủ quyền. Dù Trung Quốc được cho cũng chịu thương vong về người, nhưng chính phủ Bắc Kinh chưa từng công bố con số tử vong và bị thương.
Dù cả Trung - Ấn không ngừng đổ lỗi cho nhau làm căng thẳng leo thang, nhưng hai bên cũng nhấn mạnh việc theo đuổi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Trong khi đó, hôm 19/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có tuyên bố nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau vụ đụng độ với Trung Quốc, khi khẳng định các vùng biên giới Ấn Độ không hề bị xâm nhập.
“Không ai xâm nhập vào khu vực biên giới của chúng ta, không một ai cả và cũng không có chốt kiểm soát nào của chúng ta bị chiếm đóng”, Thủ tướng Modi nhắc tới thung lũng Galwan ở Ladakh, nơi xảy ra vụ ẩu đả khi hai bên quân đội Trung - Ấn lao vào đấm đá nhau hôm 15/6.
Tuy nhiên, tuyên bố của Thủ tướng Modi lại trái với quan điểm trước đó của chính phủ Ấn Độ.
Hôm 17/6, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã nói với một quan chức cấp cao Trung Quốc rằng, vụ ẩu đả xuất hiện sau khi “phía Trung Quốc tìm cách xây dựng một công trình ở thung lũng Galwan bên phần LAC mà Ấn Độ kiểm soát”, theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
LAC là "Đường Kiểm soát Thực tế" được tạo ra để làm ranh giới và giảm căng thẳng giữa Trung - Ấn sau cuộc chiến vào năm 1962, nhưng cho tới nay, nhiều khu vực vẫn ở trong tình trạng tranh chấp.
Minh Thu (lược dịch)
Hàng chục binh sĩ Trung - Ấn thương vong, chiến tranh biên giới sẽ tái hiện?
Quân đội Trung - Ấn đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh biên giới lần hai, sau khi xảy ra cuộc đụng độ nghiêm trọng tại Ladakh làm hàng chục quân nhân thương vong.