Mỹ liên tiếp có động thái 'dằn mặt' Trung Quốc ở Biển Đông
Ngoài oanh tạc cơ B-1B, không quân Mỹ mới điều thêm UAV trinh sát RQ-4 Global Hawk hoạt động trên Biển Đông.
Theo Fox News, không quân Mỹ sử dụng cả oanh tạc cơ B-1B và máy bay trinh sát không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk hoạt động trên Biển Đông và các khu vực khác ở mặt trận Thái Bình Dương.
Đây được xem là một phần trong hoạt động mở rộng chiến lược tăng cường khả năng do thám và ngăn chặn ở Thái Bình Dương, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng gia tăng.
Mỹ điều thêm UAV RQ-4 Global Hawk "dằn mặt"Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: Không quân Mỹ) |
Báo cáo của không quân Mỹ cho hay, các máy bay ném bom B-1B đang cất cánh từ đảo Guam để thực hiện sứ mệnh trên Biển Đông nhằm hỗ trợ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, không quân Mỹ cũng đã cho luân chuyển các UAV RQ-4 Global Hawk tới căn cứ không quân Yokota ở Nhật Bản. Hành động này của Mỹ được cho là tăng cường sự hiện diện trong khu vực để đáp ứng trước các tình huống khẩn cấp giữa thông tin Trung Quốc điều 2 tàu sân bay cùng lúc tập trận ở Biển Đông. Ngoài ra, Đài Loan cũng tỏ ra ngày càng lo ngại về nguy cơ Trung Quốc tấn công quân sự.
UAV RQ-4 của không quân Mỹ sẽ làm nhiệm vụ cùng với UAV MQ-4C Triton của hải quân tại đảo Guam.
RQ-4 Global Hawk là UAV do thám chiến lược của Mỹ do Tập đoàn Northrop Grumman chế tạo. Chiếc RQ-4 đầu tiên thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vào tháng 3/2006.
UAV Global Hawk được Mỹ thiết kế nhằm triển khai các hoạt động trinh sát trên không chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ đối phương suốt thời gian dài. Trọng lượng cất cánh của UAV Global Hawk là 15 tấn và sải cánh dài khoảng 40 m. Máy bay có thể hoạt động tuần tra suốt 30 giờ đồng hồ trên độ cao 18.000 m.
Khi hoạt động ở trên cao, UAV Global Hawk có thể quan sát các khu vực rộng lớn và tiến hành trinh sát ở những mục tiêu đã định đồng thời chuyển hình ảnh có độ phân giải cao và thông tin tình báo về cho sở chỉ huy theo thời gian thực.
Đáng nói, tập đoàn Northrop Grumman đang phát triển một thuật toán mới mang tên Điều khiển đáp ứng tự động phân tán (DARC) giúp UAV RQ-4 có khả năng tự chủ cao hơn. Chương trình này giúp máy bay có thể tự điều chỉnh trong các tình huống phát sinh và xử lý khối lượng thông tin lớn cùng lúc một cách nhanh chóng trên khu vực rộng lớn như Thái Bình Dương.
Về mặt chiến thuật, khi được trang bị DARC, UAV RQ-4 có thể duy trì giám sát liên tục trên Biển Đông và lập tức xác định những thời khắc và vị trí quan trọng mà chiến hạm Trung Quốc đi qua.
Mới đây, chia sẻ với Reuters trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại hôm 5/6, Trung tướng Kevin Schneider, Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cảnh báo, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục gia tăng hoạt động hàng hải ở Biển Đông sau đại dịch Covid-19.
Khi được hỏi về hoạt động hàng hải tăng cường của quân đội Trung Quốc trong tương lai, Tướng Schneider nhấn mạnh, “Tôi không thấy giảm đi, mà chỉ thấy tăng lên”.
Ông Schneider cũng nhắc tới việc nhiều tàu thuyền hoạt động trên Biển Đông đã bị tàu Trung Quốc quấy rối trong những tháng gần đây.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng tới Thái Bình Dương
Trong một diễn biến khác, hôm 8/6, hải quân Mỹ thông báo đã triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực Thái Bình Dương là USS Nimitz khởi hành từ San Diego thuộc bang California và USS Ronald Reagan từ Yokosuka của Nhật Bản.
Trong đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đã nằm cảng nhiều tháng để sửa chữa, còn tàu USS Nimitz vừa mới hoàn thành các đợt tập trận sau khi chương trình sửa chữa kết thúc vào cuối tháng Tư. Ngoài ra, thủy thủ đoàn trên hai tàu sân bay cũng đã trải qua 14 ngày cách ly trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Tuyên bố từ Hạm đội 7 nhấn mạnh thêm, tàu sân bay USS Ronald Reagan mang theo nhiều vũ khí quan trọng trước khi rời khỏi cảng để tới Thái Bình Dương.
“Sau các chuyến đi biển thử nghiệm, tàu USS Ronald Reagan được triển khai làm nhiệm vụ và mang theo số vũ khí hơn 1.000 tấn cùng quân nhân và phi đội máy bay”, hải quân Mỹ cho hay.
Đáng nói, tàu sân bay thứ 3 của Mỹ là USS Theodore Roosevelt mới rời khỏi đảo Guam hồi tuần trước, sau khi neo đậu tại đây 2 tháng do nhiều thủy thủ mắc Covid-19.
“Điều quan trọng nhất là sứ mệnh vẫn được thực hiện, nhưng không làm bùng phát các ca mới mắc virus. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy an ninh khu vực với các đối tác và duy trì tình trạng cao sẵn sàng chiến đấu”, Sputnik dẫn lời Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Trong bối cảnh nước Mỹ đau đầu đối phó với dịch Covid-19 từ đầu tháng Ba, Trung Quốc lại liên tục tiến hành tập trận ở Thái Bình Dương. Một trong số đó phải kể tới thông tin được truyền thông phương Tây đăng tải về việc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc di chuyển vào Bình Dương mà không có bất cứ tàu sân bay nào của Mỹ hiện diện trong khu vực. Trong khi, lâu nay, các tàu sân bay Mỹ thường xuyên hiện diện ở Thái Bình Dương.
Tướng Mỹ lên án Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông
Trung tướng Kevin Schneider, Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản cảnh báo, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục gia tăng hoạt động hàng hải ở Biển Đông sau đại dịch Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)