Sự im lặng khó hiểu của Triều Tiên về 2 vụ phóng tên lửa gần đây
Sự im lặng bất thường của truyền thông Triều Tiên về 2 vụ phóng tên lửa đạn đạo trong tuần qua khiến giới chuyên gia nghi ngờ.
Dù thực hiện phóng 2 tên lửa đạn đạo trong vòng chưa đầy 1 tuần, nhưng truyền thông Triều Tiên lại hoàn toàn không đưa tin về những sự kiện này. Sự yên lặng bất thường của giới truyền thông Triều Tiên khiến các chuyên gia đặt câu hỏi nghi ngờ.
Theo các nhà quan sát ngoại giao, sự vắng bóng của những bản tin về các vụ phóng tên lửa trên truyền thông Triều Tiên là do kế hoạch của Chủ tịch Kim Jong-un biến những hành động bị xem là khiêu khích này thành hoạt động quân sự thường xuyên, cũng như cho thấy ý định của Trung Quốc trong việc ngăn chặn căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, việc truyền thông Triều Tiên không đưa tin không có nghĩa các vụ phóng này đã diễn ra thất bại.
Triều Tiên phóng SLBM hồi tháng 10/2021. (Ảnh: Yonhap) |
Còn theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã cho phóng vật thể được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ khu vực Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 4/5. Tiếp đó, tới ngày 7/5, Triều Tiên bị nghi cho phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) từ vùng biển nằm ở ngoài khơi thành phố Sinpo, nơi tọa lạc xưởng đóng tàu ngầm quy mô lớn của Triều Tiên.
Tuy nhiên, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), cùng nhiều tờ báo như Rodong Sinmun và các cơ quan truyền thông khác đều không đưa tin về những vụ phóng này. Trong khi, phía Seoul nhận định các vụ phóng là hành động dằn mặt của Triều Tiên trước thềm lễ nhậm chức chính thức của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Thông thường, KCNA đưa tin về các sự kiện lớn sau một ngày diễn ra bao gồm hoạt động của nhà lãnh đạo và các vụ thử nghiệm vũ khí quan trọng.
Theo Korea Times, ban đầu, việc truyền thông Triều Tiên không công khai về các vụ phóng tên lửa diễn ra trong tuần qua được nhận định là do thất bại. Bởi trước đó, Triều Tiên đã phóng thất bại một tên lửa vào ngày 16/3 và sự kiện này cũng không được truyền thông đưa tin.
Song việc truyền thông Triều Tiên không công khai thông tin vụ phóng SLBM lại bị xem là xuất phát từ lý do khác. Nói cách khác, Triều Tiên dường như muốn biến các vụ phóng tên lửa gần đây thành sự kiện thông thường. Bởi Triều Tiên cũng từng cho phóng ICBM và SLBM trước đây, cũng như đều khẳng định sự kiện đã diễn ra thành công. Theo nội dung trong kế hoạch quân sự 5 năm, các vụ phóng thử tên lửa là một phần trong quá trình hiện đại hóa kho vũ khí.
Giới chuyên gia cho rằng, xét về trong nước, thông tin về các vụ phóng tên lửa không phải dạng bảng tin cần nhanh chóng công bố cho người dân Triều Tiên biết. Về quốc tế, Triều Tiên không công khai thông tin nhằm thể hiện quốc gia này tự quyết con đường theo đuổi, và không chịu tác động từ các nước láng giềng như Nga và Trung Quốc hay từ Mỹ.
Tuy nhiên, ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, nhận định sự im lặng bất thường của truyền thông Triều Tiên là do sức ép từ phía Trung Quốc liên quan tới mục tiêu tránh làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
“Sự thiếu vắng thông tin về những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên dường như là do sức ép từ Trung Quốc, quốc gia không muốn căng thẳng quân sự leo thang trên bán đảo Triều Tiên và sau đó ảnh hưởng tới các mối quan hệ giữa Trung Quốc – Hàn Quốc”, ông Cheong nói.
“Thay vì có hành động khiêu khích quân sự khiến Trung Quốc tức giận, Triều Tiên dường như chuyển sang thử nghiệm SLBM tầm ngắn, lĩnh vực mà Trung Quốc có thể chấp nhận”, ông Cheong nói thêm.
Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách cải thiện các mối quan hệ với chính quyền của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Bằng chứng là chuyến công tác tới Hàn Quốc của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn để dự lễ nhậm chức của ông Yoon hôm 10/5.
Sự nguy hiểm khi Triều Tiên thay đổi sứ mệnh của vũ khí hạt nhân
Tuyên bố mới nhất của Chủ tịch Kim Jong-un dường như ám chỉ Triều Tiên đã thay đổi sứ mệnh của các loại vũ khí hạt nhân.
Minh Thu (lược dịch)