Nga ‘hưởng lợi’ từ cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Australia?
Xung đột thương mại bùng phát giữa Trung Quốc và Australia dẫn đến việc Bắc Kinh cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ Australia bao gồm than.
Kommersant đưa tin, các công ty Nga đang vội vàng tận dụng tình hình này, với kỳ vọng nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ tăng lên hàng chục lần trong vài năm.
Nga ‘hưởng lợi’ từ cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Australia? (Ảnh: RIA) |
Do đó, Elgaugol, một công ty phát triển mỏ than cốc lớn nhất ở Nga, dự kiến doanh số bán hàng cho Trung Quốc sẽ tăng gấp 30 lần trong 4 năm, từ 1 triệu tấn vào năm 2020 lên 30 triệu vào năm 2023.
Ngoài ra, trong nỗ lực tận dụng giá cả hàng hóa tăng vọt, công ty của Nga đang khẩn trương thành lập liên doanh với công ty Guohang Ocean Shipping của Trung Quốc, có khả năng vận chuyển tới 40 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Cùng với đó là một liên doanh khác sẽ thúc đẩy than tại thị trường Trung Quốc, bao gồm giải quyết các vấn đề với các cơ quan chính phủ ở Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng đến năm 2023, Trung Quốc sẽ tăng mua than từ mỏ Elginsky của Nga từ 5 triệu tấn lên 45 triệu tấn. Khối lượng này sẽ thay thế một lượng lớn than từ Australia và Mỹ.
Trung Quốc xung đột với Australia vào tháng 10, sau khi nước này kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19 và nguyên nhân của đại dịch. Trong thời gian này, thuế bảo hộ đối với lúa mạch và rượu vang đã được áp dụng, một số hàng hóa bị cấm, và lệnh cấm nhập khẩu quặng sắt cũng đang được chuẩn bị.
Động thái mới nhất là áp mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% đối với rượu vang Australia từ ngày 28/11, Canbera nghiêm khắc bác bỏ cáo buộc bán phá giá và chỉ trích Bắc Kinh có những hành động “không công bằng và vô căn cứ”.
Trong tuần này, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) của Trung Quốc đã giải thích với 10 công ty năng lượng lớn nhất của nước này rằng họ có thể nhập khẩu than từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà không bị hạn chế về hải quan, nhưng không phải từ Australia. Sau đó, Australia yêu cầu một lời giải thích, nhưng các báo cáo cuộc họp đã biến mất khỏi trang web của Thời báo Hoàn cầu.
Khả năng cấm cung cấp than cho Trung Quốc đã được đề cập đến vào tháng 10. Tình hình xung đột với Australia khiến chi phí nhiên liệu ở Trung Quốc tăng mạnh nhưng hiện tại Nga vẫn chưa thể cung cấp đầy đủ than cho quốc gia láng giềng. Nguyên nhân vẫn là những yêu cầu mới về chất lượng hàng hóa gây khó khăn cho các cửa khẩu.
Cả Trung Quốc và Australia không chỉ cùng là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), họ còn ký với nhau các hiệp định thương mại tự do song phương. Tuy nhiên, Trung Quốc gần đây đã liên tiếp trả đũa Australia vì đã kêu gọi điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19 bằng hàng loạt hành động về thương mại, bao gồm: cấm một số mặt hàng nhập khẩu từ Australia gồm than đá, đường, lúa mạch, tôm hùm, rượu, đồng và gỗ bắt đầu từ đầu tháng 11; áp đặt thuế chống bán phá giá với lúa mạch của Australia; ngừng nhập khẩu thịt bò từ 5 nhà sản xuất lớn ở bang Queensland và New South Wales, Australia.
Các biện pháp trừng phạt Nga sẽ ra sao dưới thời ông Biden?
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden khó có khả năng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.
Thanh Bình (lược dịch)