Cuộc gặp ‘chia tay’ giữa ông Putin và bà Merkel có hoa hồng, nhưng không nhượng bộ
Tờ Der Spiegel nhận định, cuộc gặp “chia tay” giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đứng đầu Điện Kremlin Vladimir Putin đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện.
Theo đó, bà Merkel nhận được một bó hoa hồng, nhưng thiện chí của Tổng thống Nga được cho là để che giấu sự thiếu linh hoạt. “Trong cuộc đối thoại với đồng nghiệp người Đức, ông Putin không nhượng bộ, mà thay vào đó lên tiếng bằng những lời trách móc đối với phương Tây”, nhà báo Christina Hebel cho biết.
Bà Christina cho rằng, những bông hoa hồng và sự đón tiếp thân thiện trong sảnh lớn không thể che giấu sự khác biệt cơ bản trong thế giới quan của hai chính trị gia.
Chuyến thăm Moscow của bà Merkel sẽ là chương cuối cùng trong mối quan hệ kéo dài hơn một thập kỷ của 2 chính trị gia quyền lực nhất châu Âu. (Ảnh: Reuters) |
Theo Der Spiegel, người đứng đầu nước Đức căng thẳng và bị hạn chế, đã phản ứng một cách thờ ơ với những lời khen ngợi. Sau đó, bà Merkel yêu cầu thả chính trị gia đối lập người Nga Alexei Navalny, nhưng ông Putin chỉ im lặng khi bà Merkel nói về vấn đề này. Đối với Nga, Navalny là tên tội phạm bình thường đã vi phạm một số quy tắc nhất định.
Thay vì đáp lại yêu cầu của bà Merkel, người đứng đầu Điện Kremlin kêu gọi phương Tây tôn trọng các quyết định của tòa án Nga. Ông Putin thậm chí còn không đồng ý giúp đỡ 3 tổ chức phi chính phủ của Đức ở Nga nằm trong “danh sách đen”.
Ngoài ra, ông Putin một lần nữa nhấn mạnh rằng, ông sẽ không dung thứ cho sự can thiệp và giáo lý từ bên ngoài. Kể cả trong tình hình đang diễn ra với Belarus.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức cũng bày tỏ lo ngại về những gì đang xảy ra ở Donbass khi người dân tiếp tục tiệt mạng do cả hai bên không tuân thủ lệnh ngừng bắn. Đáp lại, Tổng thống Putin lặp lại “những lời trách móc” đối với Kiev và thúc giục bà Merkel tác động đến Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky.
Der Spiegel cho rằng, bản thân người đứng đầu Điện Kremlin cũng sẵn sàng hơn khi nói về quan hệ thương mại giữa Nga-Đức và việc sắp hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Đồng thời, ông Putin kêu gọi công nhận việc Taliban chiếm chính quyền ở Afghanistan là một thực tế và không cố gắng áp đặt các giá trị lên nước này.
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin đã ám chỉ về kinh nghiệm đau thương đối với Liên Xô khi rút quân khỏi Afghanistan trước đây. Ông Putin cũng kêu gọi các cuộc đàm phán quốc tế về cuộc chiến chống khủng bố. Ngược lại, bà Merkel nói rằng bà thất vọng với sự tiến triển của các sự kiện ở quốc gia Nam Á này và yêu cầu ông Putin hỗ trợ trong việc giải cứu các binh sĩ Đức ở Afghanistan.
“Cuộc gặp chia tay nghiêm túc của hai vị lãnh đạo cho thấy lập trường của Nga và Đức khác nhau như thế nào. Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh, bất chấp những khác biệt, điều tốt hơn là nên tiếp tục đàm phán vì thiếu đối thoại không phải là một giải pháp”, bà Christina giải thích.
Theo Thủ tướng Đức, bất kỳ tiến bộ nhỏ nào cũng có thể quan trọng. Nhưng khó khăn mà các bên đang phải vượt qua là rất lớn.
“Như các bạn đã biết, tính chất đặc biệt của chuyến thăm này của bà Merkel là do sau cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Đức vào tháng 9, bà ấy sẽ rời khỏi chức Thủ tướng. Tôi muốn nói rằng: Chúng tôi sẽ luôn vui mừng khi thấy bà Merkel ở Nga với tư cách là một vị khách, bà ấy luôn được chào đón nồng nhiệt”, ông Putin nói trong cuộc họp báo sau khi gặp bà Merkel.
Giới chuyên gia nhận định, mặc dù thường xuyên trong trạng thái căng thẳng và đôi khi là đối đầu, mối quan hệ giữa bà Merkel và ông Putin vẫn chưa bao giờ rạn nứt.
“Không có chính trị gia nào trên thế giới có thể làm tốt hơn trong việc giữ mối quan hệ cá nhân bất chấp các mâu thuẫn trong một thời gian dài như bà Merkel và ông Putin”, tờ Suddeutsche Zeitung của Đức bình luận.
Thực hư Taliban cấm âm nhạc, không cho phụ nữ lên sóng truyền hình
Theo tờ Pajhwok Afghan News, tại tỉnh Ghazni của Afghanistan, đại diện của Taliban đã ra lệnh cấm phát sóng các tác phẩm âm nhạc.
Thanh Bình (lược dịch)