Chuyên gia IMF cảnh báo về nạn đói và giá lương thực tiếp tục tăng
Theo tờ Der Spiegel của Đức, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra khiến giá lương thực trên thế giới tăng chưa từng có. Đồng thời, người dân bị mất một phần thu nhập đáng kể.
Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, giá cả tại các siêu thị vẫn chưa đạt đỉnh và người tiêu dùng sẽ cảm nhận được khủng hoảng. Tổ chức này cảnh báo, ở các nước đang phát triển, vốn phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu sẽ có một mối đe dọa lớn về nạn đói hàng loạt.
“Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực phát triển bền vững là chấm dứt nạn đói vào năm 2030 đã lùi xa hơn nữa”, Der Spiegel viết.
Covid-19 đã làm cho người đói càng đói và người nghèo càng nghèo hơn. (Ảnh: Reuters) |
Ervin Prifti, một nhà phân tích kinh tế tại IMF nói: “Chúng ta có thể bị đẩy lùi một thập kỷ. Cùng với hai đồng nghiệp, nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của các giai đoạn vừa qua và đưa ra dự báo. Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng kinh tế là một yếu tố quan trọng trong việc giảm suy dinh dưỡng và mất thu nhập thực tế dẫn đến nạn đói.
Theo kết quả phân tích, trên toàn thế giới vào năm 2020, số người bị suy dinh dưỡng hoặc đói có thể tăng thêm 60 triệu người, tuy nhiên theo các ước tính khác có khoảng 130 triệu người. Các nhà nghiên cứu cảnh báo: “Mất an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những tác dụng phụ tồi tệ nhất của đại dịch”.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng Covid-19, có 680 triệu người trên thế giới đã không ăn đủ calo. Ngoài ra các quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm Nam Sudan, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Syria, Yemen, Haiti và Afghanistan.
Một báo cáo mới đây của tổ chức chống đói nghèo Oxfam cho thấy, số người bị đói trên toàn thế giới đã tăng gần gấp 6 lần từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2021. Nhà kinh tế Moniko Totova, chuyên gia tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hợp Quốc (FAO) nhấn mạnh: “Ở các khu vực xung đột, mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng lương thực vẫn còn”.
Theo Der Spiegel, vấn đề này có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn và hậu quả có thể cực kỳ nghiêm trọng.
“Suy dinh dưỡng có thể dẫn đến bất ổn xã hội trong ngắn hạn và về lâu dài, nó có thể dẫn đến suy giảm năng suất, tiềm năng con người cũng như tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia Prifti nói.
Các nhà phân tích của IMF chỉ ra rằng việc tăng giá lương thực đã bắt đầu ngay cả trước cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Khi bắt đầu đại dịch, việc đóng cửa, mua sắm thực phẩm với số lượng lớn do sợ tăng giá và gián đoạn xuất khẩu gạo - lúa mì đã làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng dẫn đến giá tăng.
Ngoài ra, chi phí vận tải tăng cũng ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Trong 12 tháng qua, vận tải biển đã tăng giá gấp đôi, nhiều chuyến bay chở khách đã bị hủy. Xăng dầu đắt hơn và tắc đường kéo dài hàng km cũng đã làm tăng chi phí vận chuyển mặt đất.
Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp vẫn mạnh mẽ, bao gồm cả do Trung Quốc quyết định bổ sung dự trữ và mua lượng lớn đậu nành. Sự tăng trưởng toàn cầu về nhu cầu nhiên liệu sinh học cũng đóng một vai trò trong việc thúc đẩy giá dầu thực vật.
Đồng thời, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã làm gián đoạn sản xuất dầu cọ, chẳng hạn như ở Indonesia và hạn hán, mất mùa ở nhiều quốc gia xuất khẩu truyền thống như Brazil, Argentina, Nga, Ukraine và Mỹ.
Cho đến thời điểm hiện tại, các yếu tố này ảnh hưởng chủ yếu đến mức giá mà nhà sản xuất đưa ra, nó đã tăng hơn 40%. Nhà phân tích Prifti nhấn mạnh: “Trong vài tháng tới, chúng tôi cho rằng giá lương thực sẽ tiếp tục tăng”.
Lạm phát lương thực, tức là giá cả tăng lên đối với người tiêu dùng, không có tác động như nhau đối với tất cả các khu vực trên thế giới. Các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là khi các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Đức: ‘Không tiêm chủng, không có tự do’
Tờ Bild của Đức đưa tin, ở nước này tỷ lệ tiêm chủng đang giảm, ngày càng nhiều người Đức từ bỏ ý định tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Thanh Bình (lược dịch)