Các chuyên gia hé lộ phương pháp ‘tiêu diệt’ Covid-19 trong 25 giây
Báo cáo của các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIEDL), Đại học Boston (Mỹ) cùng với công ty Signify cho biết, họ đã phát hiện ra cách để “tiêu diệt” Covid-19 trong 25 giây.
Tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga) trích báo cáo cho biết, các nhà khoa học khẳng định, virus corona có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng bức xạ tia cực tím.
Một nhóm khoa học do nhà vi trùng học Anthony Griffiths dẫn đầu đã tiến hành thí nghiệm, trong đó họ đã xử lý vật liệu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng nhiều liều tia cực tím từ đèn và đánh giá tốc độ tiêu diệt mầm bệnh.
Các nghiên cứu cho thấy, hóa ra với liều lượng 5 megaJoules trên mỗi cm vuông diện tích, sự lây lan của virus đã giảm 99% trong 6 giây. Khi tiếp xúc với 22 megaJoules trên mỗi cm vuông, virus đã bị tiêu diệt hoàn toàn sau 25 giây.
Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, một chiếc đèn tiết kiệm năng lượng với công suất 13W có thể làm sạch căn phòng rộng 15 m2 khỏi các hạt thực thể chứa virus SARS-CoV-2.
Các chuyên gia hé lộ phương pháp “tiêu diệt” Covid-19 trong 25 giây. (Ảnh: RIA) |
Đồng thời, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, bức xạ cực tím đã được sử dụng như một tác nhân diệt khuẩn trong 40 năm và không một loại virus nào trong số hàng trăm loại virus được thử nghiệm có thể tồn tại trên bề mặt sau khi tiếp xúc với bức xạ cực tím xa. Tuy nhiên, bức xạ tia cực tím gây nguy hiểm cho con người.
Được biết, các nhà khoa học sẽ công bố kết quả và phương pháp của thí nghiệm trên một trong những tạp chí uy tín của ngành y tế.
Trước đó, vào đầu tháng 6, theo nghiên cứu mới về kháng thể của các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc, con người có thể không bao giờ phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus corona.
Cụ thể, các nhà khoa học phân tích dữ liệu và nghiên cứu đến từ Đại học Texas (Mỹ) và Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) đã xem xét liệu các nhân viên y tế tại bệnh viện ở Vũ Hán, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát đại dịch tại đây, đã phát triển các kháng thể hay chưa. Kết quả cho thấy ít nhất hơn 5.000 trong số hơn 23.000 mẫu nghiên cứu đã bị mắc Covid-19 nhưng chỉ có 4% số đó đã phát triển các kháng thể vào tháng 4.
“Điều đó có nghĩa là không phải ai nhiễm bệnh cũng tạo ra kháng thể hoặc sản xuất kháng thể lâu dài”, thông báo cho biết.
Trong số 4% nhân viên y tế và 4,6% nhân viên Bệnh viện đa khoa Vũ Hán có kháng thể IgG thì người mắc Covid-19 có triệu chứng rõ ràng có xu hướng tạo ra nhiều kháng thể hơn bệnh nhân không triệu chứng. Kháng thể như immunoglobulin G, hoặc IgG, có thể tồn tại trong cơ thể trong một thời gian dài. Chúng được tìm thấy ở những bệnh nhân hô hấp cấp tính nặng (SARS) 12 năm sau khi họ bị mắc và khỏi bệnh. Kháng thể là các phân tử được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để liên kết với protein tăng đột biến của virus và ngăn chặn nó lây nhiễm vào các tế bào.
Theo số liệu cập nhật trên trang thống kê Worldometers tính đến ngày 27/6, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 9.904.963 trường hợp, trong đó 496.866 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 5.357.778 trường hợp.
Chùm ảnh: Một tuần tràn ngập sự kiện nổi bật trên khắp thế giới
Lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng phát xít, biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc, đại dịch Covid-19, bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp Nga,… là những sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, nổi bật nhất tuần qua trên khắp thế giới.
Thanh Bình (lược dịch)