Thanh Hóa: Tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống tệ nạn mại dâm
Nhiều hội thi tuyên truyền, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội được các cấp, ngành tỉnh Thanh Hóa tổ chức. |
Tăng cường tuyên truyền về tệ nạn mại dâm
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3.750 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm bao gồm: 1.411 cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ), 1.156 nhà trọ, 1 vũ trường, 1.024 cơ sở kinh doanh karaoke, 45 cơ sở tẩm quất-massage và 133 cơ sở kinh doanh khác.
Trong đó, tình trạng mại dâm hoạt động trá hình, biến tướng và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn; việc lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm để hoạt động như cắt tóc tại các cơ sở gội đầu, karaoke, massage, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ...; các hình thức bán dâm qua mạng xã hội, người bán dâm trực tiếp liên hệ với khách thông qua điện thoại.
Đa phần nguời bán dâm đều không có công ăn việc làm, trình độ văn hóa thấp, dễ bị lừa gạt hoặc có cuộc sống vật chất, tinh thần gặp nhiều trắc trở....
Trước những tồn tại bất cập, biến tướng từ tệ nạn mại dâm. Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Thanh Hóa (Ban chỉ đạo 138) đã chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm tra, các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, không để xảy ra tình trạng phức tạp về tệ nạn mại dâm tại các địa bàn dân cư.
Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh, các ban, ngành ban hành các kế hoạch, mô hình về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm... Ngoài ra, đơn vị này cũng đã tổ chức cấp phát 22.000 tờ rơi tuyên truyền về tệ nạn mại dâm; phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa treo các pa nô tuyên truyền phòng chống tệ nạn mại dâm ở nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố.
Không những tuyên truyền tốt công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, sở cũng đã tổ chức 50 lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy, tệ nạn mại dâm cho 3.190 cán bộ thôn xóm và người dân tại 15 huyện.
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH cũng đã phối hợp với Sở GD&ĐT, Ban Chấp hành Đoàn khối cơ quan tỉnh tổ chức 22 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội bằng hình thức sân khấu hóa tại các trường THPT, Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề... cho hơn 30.000 học sinh, sinh viên và hơn 1.500 cán bộ, giáo viên tham dự...
Đồng thời, phối hợp với các huyện tập huấn, hướng dẫn cho chủ cơ sở kinh doanh, quản lý, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm bao gồm nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage; cán bộ thôn, bản; công nhân tại các khu công nghiệp, các nhà máy.
Ngoài ra, các Sở TT&TT, Sở GD&ĐT, Sở Tư pháp, Sở VHTT&DL... cùng các cấp, các ngành cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, lồng ghép trong nhiều chương trình thực tế để tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cấp cơ sở.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã tổ chức mít tinh phòng, chống tệ nạn xã hội cho hơn 726.000 học sinh và 52.421 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 503 hội nghị, tuyên truyền, tập huấn cho 8.322 lượt người về tệ nạn mại dâm.
Việc tuyên truyền, giáo dục phòng chống tệ nạn mại dâm được lồng ghép đến các cấp cơ sở. |
Khởi tố 6 vụ, bắt 20 đối tượng
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong vòng 11 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an các cấp đã bắt, xử lý 6 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 20 đối tượng là chủ chứa, môi giới mại dâm, gái mại dâm, người mua dâm. Khởi tố 6 vụ, 6 bị can về hành vi chứa chấp, môi giới mại dâm, xử lý hành chính 14 đối tượng mua, bán dâm.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính luôn được Đội kiểm tra liên ngành 178, Sở VHTT&DL, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, massage...
Với việc các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành chức năng trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mại dâm trong cộng đồng, nên không để xảy ra tình trạng phức tạp về tệ nạn này trên địa bàn.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc theo dõi, đấu tranh, xử lý vi phạm về tệ nạn xã hội mại dâm được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên hơn.