Thanh Hóa khôi phục thương hiệu đặc sản bưởi ‘tiến vua’
Bưởi “tiến vua” có nguồn gốc tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Đây là cây ăn quả đặc sản, mỗi năm chỉ cho thu hoạch một lần vào giáp Tết Nguyên đán. Giống bưởi này cũng là một trong những sản phẩm đặc hữu của tỉnh Thanh Hóa.
Sở dĩ bưởi Luận Văn được gọi là sản vật “tiến vua” một thời, theo người dân ở làng Luận Văn, quả bưởi nơi đây có những nét riêng mà không loại nào có được. Đó là khi chín, quả sẽ chuyển từ màu vàng sang màu đỏ gấc, từ vỏ, cùi cho đến tép bưởi đều “nhuộm” một màu đỏ rất đẹp mắt.
Bưởi có màu đỏ tươi từ trong ra ngoài, mùi thơm dịu, có vị ngọt, mọng nước và mùi thơm đặc trưng. Khi quả còn nhỏ, bưởi có màu xanh và sau đó chuyển sang màu vàng. Đến lúc bưởi chín thì chuyển sang màu đỏ au, trong ruột bưởi có màu hồng tươi vì vậy giống bưởi này đang được nhiều người ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết.
Có thời điểm, đặc sản bưởi “tiến vua” nổi tiếng một thời tưởng chừng bị mai một và mất giống bởi loại quả này bỗng dưng mất hút trên thị trường.
Mãi đến năm 2005, giống bưởi “tiến vua” này được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa bằng cách tìm những cây bưởi đầu dòng ít ỏi còn sót lại trong các vườn nhà để tuyển chọn, phục tráng và nhân rộng.
Sau đó, Viện Nghiên cứu rau quả - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng ứng dụng tiến bộ khoa học để nhân giống loại cây trồng này.
Nhờ đó, khoảng chục năm trở lại đây, bưởi Luận Văn ngày càng nổi tiếng xa gần và dần có chỗ đứng trên thị trường.
So với những thương hiệu bưởi khác như Đoan Hùng, Phúc Trạch, Năm Roi, bưởi Diễn... thì bưởi Luận Văn còn khiêm tốn về khâu phát triển thương mại. Tuy nhiên, những năm gần đây, bưởi Luận Văn đã được nhiều người biết đến, giá bán ra thị trường rất cao, có những cặp bưởi to đẹp được bán nửa triệu đồng/cặp mà vẫn "cháy hàng" mỗi dịp Tết cận kề.
Những lợi thế và đặc trưng riêng giúp bưởi Luận Văn phát triển thị trường tốt. Diện tích bưởi ngày càng được mở rộng ra nhiều thôn, xã trong vùng, như: Xuân Bái, Xuân Trường, thị trấn Lam Sơn và nhiều vùng khác trong và ngoài huyện. Gần đây, nhiều nhà vườn đã phát triển đại trà giống bưởi này theo quy mô khá lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên đã gặt hái nhiều thành công.
Ở Thanh Hóa, nơi trồng giống bưởi này nhiều nhất là xã Thọ Xương. Hiện cả xã có tới 80% hộ dân trồng loại bưởi này. Hằng năm, cứ độ tháng 9-10 âm lịch, các thương lái ở các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... thậm chí là cả trong miền Nam đã về đặt hàng.
Năm 2013, sản phẩm bưởi Luận Văn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Để phát triển đặc sản thành thương hiệu, Xã Thọ Xương đã chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho giống bưởi quý này.
Năm 2020 sản phẩm Bưởi Luận Văn Hải Đăng của Công ty TNHH Nông nghiệp hiện đại Lam Sơn - Sao Vàng được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao.
Năm 2022 thời tiết thuận lợi, người trồng bưởi Luận Văn cho biết sẽ là năm bội thu. Ngay từ đầu tháng 11 đã có nhiều thương lái đến đặt mua, chờ đến thời điểm cận tết sẽ cung ứng ra thị trường. Giá bưởi dao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/quả, cao gấp 5 lần so với trước kia, nhờ đó, nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập cao.
Chủ tịch UBND xã Thọ Xương Phạm Đình Lực, cho biết, hiện nay, ngoài hơn 35 ha bưởi Luận Văn được chuyên canh tập trung, còn nhiều hộ dân phát triển trong các vườn nhà. Phấn đấu đến năm 2025, Thọ Xương sẽ tăng diện tích trồng bưởi đỏ lên 60ha.
Những năm gần đây, tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp thu nhập từ vườn đồi trên địa bàn xã đạt khoảng 9,5 tỷ đồng, trong đó phần lớn là bưởi. Hiện nay, trồng bưởi phát triển mạnh nhất ở các thôn Luận Văn, Thủ Trinh và làng May.
Nguyễn Hải