Tân sinh viên đừng bỏ học vì học phí!
Với lãi suất thấp, tân sinh viên có thể vay vốn đề đóng học phí |
Con trai lớn của chị là Đinh Công Bằng thi đậu CĐ ở Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013 nhưng do nhà nghèo, chị lại bị bệnh tật nên không có khả năng lo học phí cho con. Đường cùng chị nghĩ đến cái chết với mong muốn lấy số tiền phúng viếng của mình để cho con đi học đại học.
Kỳ thi tuyển sinh năm nay cũng có nhiều sỹ tử đậu đại học nhưng nhà nghèo nên đành gác lại ước muốn học đại học.
Trường hợp của em Trần Thị Trúc Mai, cựu học sinh lớp 12A6 Trường THPT Đốc Binh Kiều (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một ví dụ. Mai vừa đậu vào ngành Thú y Trường Đại học Nông lâm TP.HCM.
Gia đình Mai thuộc diện hộ cận nghèo, nhà không có đất đai nên cha mẹ Mai đi làm thuê kiếm sống. Khi nghe tin con đậu đại học, cha mẹ Mai rất vui mừng nhưng nhà nghèo, để có một khoản tiền lớn để đóng học phí, tiền sách vở, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn… cho Mai, cả gia đình thực sự đau đầu. Mai có nguy cơ dở dang việc học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Hoàn cảnh của tân sinh viên Nguyễn Minh Dương cũng vậy. Em đậu trường đại học Công nghiệp TP.HCM ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, nhưng nay đã quá thời hạn nhập học hơn nửa tháng mà em vẫn chưa có đủ tiền đóng học phí và đang đứng trước nguy cơ phải từ bỏ giảng đường đại học.
Gia cảnh của Dương rất nghèo khó, ba đi làm thuê, mẹ bị động kinh. Dương vẫn đang phụ giúp gia đình, đi làm thuê như ba. Chính vì vậy, số tiền học phí gần 4 triệu đồng là nỗi lo của gia đình Dương.
Những trường hợp sinh viên nghèo học giỏi như thế này có thể tự vươn lên bằng cách vay vốn tại ngân hàng Chính sách Xã hội. Các em có thể cùng gia đình lên UBND xã, phường của mình xin giấy xác nhận là hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi sẽ được vay vốn trang trải cho chi phí học tập của mình.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó giám đốc ngân hàng Chính sách chi nhánh TP.HCM cho biết, đây là ngân hàng cho vay theo chỉ định của Chính phủ nên người vay chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện là được vay mà không phải có tài sản đảm bảo.
Đối với khoản cho sinh viên vay, với mức 1,1 triệu đồng/tháng, lãi suất 0,65%/tháng. Sinh viên sau khi ra trường 01 năm mới phải trả gốc và lãi. Tuy nhiên, lãi vẫn được tính trong quá trình vay.
Chẳng hạn, mức cho vay đối với 01 sinh viên trong 01 năm học khoảng 12 triệu/năm, với 05 năm học thì tổng số tiền có thể vay là 60 triệu đồng. Ngân hàng sẽ giải ngân cho sinh viên vào đầu mỗi năm học.
Vào đầu mỗi năm học, ngân hàng tại chi nhánh TP.HCM nhận khoảng 30.000-40.000 trường hợp xin vay vốn và giải ngân khoảng 40-50 tỷ đồng. Đây là chương trình cho vay ưu đãi lớn thứ 2 trong các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến nay đạt 30.000 tỷ đồng.
Sinh viên Mai Trần Ngọc Đức, trường đại học Thể dục Thể thao đã vay được tại ngân hàng Chính sách với số tiền 11 triệu đồng cho năm học 2014. Đây là năm thứ 2 Đức được giải ngân để trang trải học phí cho mình.
Hay sinh viên Lương Vũ Trọng Đạt, trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng được vay 11 triệu đồng để đóng học phí cho năm học 2014. Nhờ có khoản tiền vay này mà em yên tâm học tập.
Sinh viên Nguyễn Thái Kim Hằng cũng được vay 5,5 triệu đồng, đây là nguồn tiền rất quý báu với em bên cạnh tiền em kiếm được từ đi làm thêm để lo cuộc sống sinh viên của mình.
Ông Tiên cũng chia sẻ: “Tôi cũng nghe trường hợp thương tâm ở Cà Mau khi mẹ chết để lấy tiền phúng viếng cho con đi học. Ở đây là do gia đình không được xác nhận hộ nghèo, nhưng gia đình có thể xin xác nhận thuộc diện khó khăn, bệnh tật của UBND xã là vẫn có thể vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội”.
“Chúng tôi hằng năm cũng đều làm việc với UBND các xã, phường để tuyên truyền về chương trình cho vay sinh viên nghèo, nhưng chắc tại truyền thông chưa được tốt nên vẫn nghe báo chí phản ánh những trường hợp đau lòng khi có nhiều gia đình có con đậu 2 trường đại học nhưng lại không có tiền đóng học phí”, ông Tiên cho biết thêm.
Hiện tỷ lệ nợ xấu mà sinh viên ra trường không trả được chiếm rất thấp, khoảng 1%, nhưng đây là những trường hợp quá khó khăn hoặc rủi ro giữa chừng với những nguyên nhân khách quan.
Do vậy, bằng sự hiểu biết của mình trong xã hội thông tin hiện nay, các học trò nghèo học giỏi vẫn có thể tự vươn lên trong học tập và trong cuộc sống bằng những nguồn vốn vay ưu đãi.