Tận dụng không gian mạng để phòng, chống mua bán người
Công nghệ có thể giúp các cơ quan chức năng hỗ trợ điều tra, làm sáng tỏ các phương thức hoạt động của các mạng lưới buôn người, tăng cường truy tố thông qua bằng chứng kỹ thuật số và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.
Đó là phát biểu của bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam trong buổi lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức ngày 29/7 tại Hà Nội.
Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), số lượng nạn nhân mua bán người mỗi năm tăng từ dưới 20 nghìn người năm 2003 đến khoảng 49 nghìn người năm 2018, trong đó số lượng nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó 19% trẻ em gái), số lượng nạn nhân nam chiếm đến 35% (trong đó 15% trẻ em nam) với nhiều hình thức bị mua bán bao gồm: 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người; trong đó, kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ, đang điều tra 15 vụ. Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người lợi dụng triệt để mạng xã hội để kết bạn, làm quen, dụ dỗ, lừa gạt, tuyển mộ lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc với hứa hẹn mức lương cao, công việc nhàn hạ, sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình do người nước ngoài điều hành, nhiều nạn nhân bị ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, nếu muốn về nước thì phải chuộc một khoản tiền rất lớn. Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội.
Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người. |
Chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2022 được Liên hợp quốc (LHQ) xác định là "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm khuyến nghị các quốc gia tăng cường hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn, giúp giảm nguy cơ mua bán người trên không gian mạng, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, internet và công nghệ số đã giúp cho tội phạm mua bán người có thêm công cụ và thủ đoạn để lừa bán người một cách nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí hơn và khó bị phát hiện hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ cũng có thể giúp các cơ quan chức năng hỗ trợ điều tra, làm sáng tỏ các phương thức hoạt động của các mạng lưới buôn người, tăng cường truy tố thông qua bằng chứng kỹ thuật số và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân.
Thông qua chương trình, bà Nga kêu gọi các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng, chống mua bán người, phối hợp chặt chẽ với ngành công an và các ngành, các cấp, các tổ chức chủ động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn để giảm thiểu nguy cơ mua bán người nói riêng và các loại tội phạm nói chung trên không gian mạng góp phần để mỗi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, luôn có quyền được sống trong bình an, hạnh phúc.
Phát động cùng chung tay phòng chống mua bán người, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2022 là “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” để tiếp tục hành động, triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người với 05 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người với các hình thức đa dạng, phong phú. Các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên toàn quốc tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trên các kênh phát thanh, truyền hình và tổ chức tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trực tiếp tại cộng đồng... Đồng thời, lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030....
Hiền Anh