Tái xuất sau 25 ngày, ông Kim Jong-un yêu cầu ‘cảnh giác tối đa’
Tái xuất sau 25 ngày, ông Kim Jong-un yêu cầu duy trì “cảnh giác tối đa” đối với dịch Covid-19 trong cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên hôm 2/7.
Trong bản tin được hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) công bố vào hôm nay (3/7), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un còn cảnh báo việc sớm gỡ bỏ các biện pháp phòng chống virus corona chủng mới sẽ dẫn tới “cuộc khủng hoảng không thể cứu vãn và không thể tượng tưởng được”.
Đây là lần thứ hai trong vòng ba tháng qua Triều Tiên tiến hành họp Bộ Chính trị để thảo luận về dịch Covid-19. Theo Yonhap, điều này cho thấy tình hình Covid-19 tại Triều Tiên có thể là nghiêm trọng, dù Bình Nhưỡng khẳng định nước này chưa có ca mắc bệnh.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tái xuất sau 25 ngày và yêu cầu duy trì “cảnh giác cao độ” trước dịch bệnh. (Ảnh: Yonhap) |
Những hình ảnh được KCNA công bố cho thấy ông Kim chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 2/7. Đây là lần đầu tiên xuất hiện trước dư luận trong 25 ngày qua của ông Kim. Đáng nói, trong các bức ảnh, ông Kim và các quan chức Triều Tiên không đeo khẩu trang trong khi họp.
“Ông Kim nhấn mạnh sự cần thiết trong việc duy trì sự cảnh giác tối đa chứ không phải là tự mãn hoặc lơ là trong mặt trận chống dịch, cũng như tái tổ chức và thực hiện nỗ lực chống dịch một cách nghiêm túc”, KCNA dẫn lời Chủ tịch Triều Tiên.
"Ông Kim liên tục cảnh báo rằng việc nới lỏng các biện pháp chống dịch sẽ dẫn đến khủng hoảng không thể tưởng tượng và không thể khắc phục được, cũng như nhấn mạnh mọi lĩnh vực và đơn vị nên tăng cường thêm công tác phòng dịch khẩn cấp cho tới khi mối nguy hiểm từ dịch bệnh được xóa bỏ hoàn toàn", KCNA cho hay.
Cuộc họp còn bàn tới chương trình xây dựng Bệnh viên Đa khoa Bình Nhưỡng và ông Kim bày tỏ hài lòng với thời gian thi công theo kế hoạch bấp chấp “những điều kiện khó khăn và bất lợi. Triều Tiên dự định sẽ hoàn thành xây dựng bệnh viện trước ngày 1/10, ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Dù Triều Tiên tuyên bố nước này không có ca nào mắc Covid-19, nhưng Bình Nhưỡng đã nhanh chóng có những biện pháp phòng dịch ngay từ tháng Một như đóng cửa các đường biên giới và thắt chặt hoạt động cách ly.
Điều đặc biệt, cuộc họp của Bộ Chính trị không hề nhắc tới mối quan hệ căng thẳng liên Triều, sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp có tuyên bố và hành động khiêu khích nhằm vào Seoul trước cáo buộc Hàn Quốc không thể ngăn chặn hoạt động rải truyền đơn chống phá Triều Tiên.
Cụ thể, hồi tháng Sáu, Triều Tiên đã cho cắt đứt toàn bộ đường dây liên lạc liên Triều và cho phá hủy văn phòng liên lạc chung ở khu công nghiệp Kaesong, cũng như đe dọa có hành động quân sự và rải truyền đơn chống phá Hàn Quốc.
Song trong cuộc họp trực tuyến của Quân ủy Trung ương dưới sự chủ trì của Chủ tịch Kim Jong-un hôm 23/6, Triều Tiên quyết định hoãn “các kế hoạch hành động quân sự” chống lại Hàn Quốc.
“Tại cuộc họp sơ bộ, Quân uy Trung ương thuộc đảng Lao động Triều Tiên đã đánh giá về tình hình nổi bật trên bán đảo Triều Tiên và dừng các kế hoạch hành động quân sự nhằm vào Hàn Quốc”, KCNA không nói thêm thông tin chi tiết.
Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên dường như đang đặt ưu tiên hàng đầu là giải quyết các vấn đề trong nước như tình trạng kinh tế kiệt quệ do ảnh hưởng từ dịch bệnh thay vì có thêm hành động khiêu khích các quốc gia khác.
“Mối quan tâm hiện thời của Triều Tiên là giải quyết các vấn đề liên quan tới cuộc sống của người dân. Do dó, Triều Tiên sẽ vẫn tập trung vào các vấn đề nội bộ trong thời gian tới và tránh xa các hành động khiêu khích hay chỉ trích nhằm vào Hàn Quốc và Mỹ”, Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên chia sẻ.
Người Hàn nghĩ gì về vũ khí hạt nhân Triều Tiên và quân đội Mỹ?
Cứ 10 người Hàn Quốc được hỏi thì có tới 9 người tin rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân.
Minh Thu (lược dịch)