Sự thật trật lất về việc không ăn tinh bột để giảm cân, bác sĩ cảnh báo điều cực kỳ nguy hiểm
PGS Nhung từng gặp bệnh nhân ăn low-carb kéo dài bị rối loạn lipid máu dù trước đây hoàn toàn bình thường. Trường hợp khác thì rối loạn chuyển hóa đường máu dù nhịn cơm.
Không ăn tinh bột, dù một hạt cơm, mẩu bánh mì
Sau sinh con thứ 2, Hà Anh tăng 20kg. Không dám uống các loại thực phẩm chức năng như trà, ca phê giảm cân, cô quyết định giảm căn bằng điều chỉnh chế độ ăn. Mục tiêu bà mẹ hai con này là giảm 15kg trong 2 tháng, để có thể tự tin diện bikini đi biển vào cuối tháng 5 này.
Được bạn bè hướng dẫn, cô không ăn tinh bột, thay vào đó, cô chỉ ăn nhiều rau xanh, ức gà, trứng, cá và sữa. Ngày đầu tiên hơi nôn nao. Ngày thứ hai, cô liên tục rơi vào trạng thái hoa mắt chóng mặt. Những lúc như vậy, cô lại cố ăn loại quả ngọt để không tụt đường huyết.
Ngày thứ 4, 5 rồi một tuần cũng trôi qua. Cô cảm thấy bụng nhẹ hơn nhưng người luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm bất cứ việc gì. “Có lẽ tôi không thể theo đuổi cách giảm cân này. Nó khiến tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến một bữa ăn đủ cơm, rau, đạm… mà không thể tập trung làm được bất cứ việc gì”, Hà Anh than phiền.
Sự thật trật lất về việc không ăn tinh bột giảm cân, bác sĩ cảnh báo điều cực kỳ nguy hiểm |
Tình cảnh của Hà Anh cũng giống như bao chị em khác. Với mong muốn giảm cân nhanh, nhiều người chọn cách không ăn tinh bột. Theo chuyên gia, chế độ ăn không cân bằng này chắc chắn sẽ để lại những tổn thương lâu dài như rối loạn mỡ máu, ảnh hưởng gan, thận…
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết hiện trên mạng có rất nhiều chế độ ăn giảm cân khác nhau như chế độ ăn low-carb, keto…
Điểm giống nhau thường là giảm gluxit, tức là giảm tinh bột, giảm lượng carbohydrate đến mức tối đa. Tuy nhiên, chúng ta cần biết một điều bất cứ chế độ ăn nào gây mất cân bằng chất đường- đạm- gluxit về lâu dài đều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2018 đã chỉ ra rằng những người ở độ tuổi trung niên thực hiện chế độ ăn low carb, tức là ít tinh bột và nhiều protein từ thịt, có nguy cơ bị giảm tuổi thọ.
Cụ thể, những người tiếp nhận 50-55% lượng calo từ carbohydrate trong chế độ ăn hàng ngày sống lâu hơn so với những người thực hiện chế độ ăn ít tinh bột giàu protein. Tuổi thọ trung bình của những người ăn nhiều tinh bột hơn được kéo dài thêm 4 năm so với 1 năm của những người có chế độ ăn kiêng low-carb.
Việc tiếp nhận ít hơn 40% tổng lượng calo từ tinh bột được coi là chế độ ăn low-carb, trong khi nhiều chế độ ăn kiêng khác cắt giảm tỷ lệ này xuống còn 20% hoặc ít hơn.
Theo PGS Nhung, gluxit đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột. Nó cũng là một chất rất cần thiết với não bộ vì bộ não sử dụng tới 25% chất bột đường của cơ thể.
Vì thế, chuyên gia này lý giải vì sao khi nhịn ăn chúng ta thường thấy choáng váng, mệt mỏi, lâu dần ảnh hưởng tới giấc ngủ, căng thẳng, stress. Việc kiêng ăn tinh bột cũng ảnh hưởng đến cơ vì cơ cũng sử dụng đường.
Ngoài ra, khi kiêng tinh bột, nhiều người có xu hướng sử dụng nhiều đạm hơn. Điều này gây mất cân bằng giữa chất đạm- đường- chất béo, làm tổn thương hệ vi khuẩn đường ruột. Khi đó, có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc quá trình tiêu hóa không tốt thì sẽ giảm sức đề kháng của cơ thể. Lý do vì kháng thể chủ yếu sinh ra từ đường ruột.
“Nó cũng ảnh hưởng đến sự tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng. Chế độ ăn không cân bằng chắc chắc không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể và chắc chắn sẽ có tổn thương lâu dài. Điều khó khăn nhất là nó không tổn thương trước mắt mà rất lâu dài”, PGS Nhung nhấn mạnh.
PGS Nhung cho biết bản thân từng gặp bệnh nhân ăn low-carb kéo dài bị rối loạn lipid máu mà trước đây bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Có những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa đường máu mặc dù nhịn cơm. Có những trường hợp trên nền tảng người cao tuổi có thể tổn hại chức năng thận.
Chế độ ăn bình thường tăng cường vận động
“Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng ăn quá nhiều chất đạm sẽ không tốt cho sức khỏe. Nhật Bản là nước nổi tiếng về chế độ dinh dưỡng, người dân có tuổi thọ lâu nhất thế giới song tất cả chế độ ăn trong trường học, bệnh viện… đều là chế độ ăn bình thường”, PGS Nhung chia sẻ.
Theo chuyên gia, việc cắt giảm gluxit mục đích để tăng tiêu hóa chất béo, từ đó giúp khống chế cân nặng đều không tốt cho cơ thể. Nó sẽ ảnh hưởng lâu dài, những vấn đề như rụng tóc hay rối loạn kinh nguyệt… chỉ là bước đầu, quan trọng là rối loạn chuyển hóa lipid máu, ảnh hưởng đến chức năng gan thận. Triglyceride, cholesterol máu cao về lâu dài có thể gây xơ vữa mạch, gây cao huyết áp, bệnh tim mạch phải đặt stent, gây đột quỵ…
Trong khi đó, nguyên tắc giảm cân, điều trị béo phì là giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể bằng cách giảm năng lượng ăn vào thông qua kiểm soát chế độ ăn và tăng năng lượng tiêu hao thông qua chế độ vận động thể lực phù hợp và ngủ đủ thời gian.
Chú ý, lựa chọn những loại thức ăn ít năng lượng thay vì nhịn đói, giảm các loại thức ăn nhiều năng lượng như thức ăn nhiều mỡ, các món ăn chiên, quay, xào, thịt mỡ, lòng, óc…; thức ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, mật ong, sữa đặc có đường, nước ngọt…
PGS Nhung cũng khuyến cáo người giảm cân cũng cần tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, ít năng lượng để đủ no (rau, trái cây ít ngọt, cá, đậu phụ,…), sữa không béo, không đường là một loại thực phẩm tốt cho những người giảm cân.
“Đồng thời cần vận động thường xuyên, nguyên tắc là từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến nặng, tập với cường độ tăng dần vào đầu buổi và giảm dần vào cuối buổi, không hạn chế uống nước khi tập.
Mỗi lần tập phải tiêu hao ít nhất 300kcal (chạy bộ liên tục 30-45 phút, đi bộ nhanh 60 phút…). Mỗi tuần nên tập tối thiểu 4-5 lần. Tập dưới 3 lần/tuần thường không mang lại hiệu quả tiêu bớt mỡ thừa ngược lại càng kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn”, PGS Nhung bày tỏ.
N. Huyền