Sinh viên nông nghiệp biến vỏ quả cà phê thành thức uống cao cấp
Sinh ra và lớn lên ở thôn 11, xã Eahiao, huyện Ealeo, Đắk Lắk, từ bé Vũ Thị Thuỳ Linh đã lớn lên bên những vạt cà phê ngút tầm mắt.
Đó là điều dễ hiểu bởi vì với diện tích trồng cà phê lớn, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Tây Nguyên với đa dạng phân loại cà phê. Nhờ khí hậu thuận lợi, Đắk Lắk đã tạo nên những trái cà phê đáp ứng nhiều cung bậc vị giác khác nhau.
Vào tháng 12, mùa cà phê chín, người nông dân sẽ tách hạt bán thành phẩm làm nguyên liệu cà phê, còn vỏ quả cà phê trở thành phế phẩm chất thành đống bên rẫy.
Với diện tích 670.351 ha, năng suất trung bình khoảng 2,7tấn/ha thì hằng năm sản lượng cà phê cả nước lên tới trên 1,7 triệu tấn. Lấy mức tỷ lệ nhân là 65% thì có đến khoảng 600 nghìn tấn vỏ cà phê trở thành phế phẩm, trong đó chỉ có một số ít được sử dụng làm phân bón.
Thùy Linh nhận thấy thật lãng phí khi những vỏ hạt cà phê chín đỏ mọng chứa lượng đường và các chất dinh dưỡng cao không được sử dụng. Vì thế, Thùy Linh nảy ra ý tưởng làm trà từ vỏ cà phê.
Cô cho biết đây là sản phẩm khá mới lạ đối với thị trường Việt Nam, hứa hẹn sẽ là một sản phẩm tiềm năng trong tương lai.
Theo Thùy Linh, do lợi ích làm đẹp da, bổ sung nước, chất khoáng, hỗ trợ giảm cân, trà vỏ cà phê sẽ hướng đến nhóm khách hàng nữ là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng đang tìm sản phẩm làm đa dạng đồ uống trong thực đơn hằng ngày nhưng vẫn đảm bảo tính ít calo và caffeine.
“Sản phẩm hướng tới khách hàng trung lưu thấp – trung lưu trong độ tuổi từ 20-30, có sở thích uống trà hoặc cà phê để thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau ngày làm việc. Bên cạnh đó là nhóm khách hàng chủ quán, chủ doanh nghiệp kinh doanh trà, cà phê đang tìm thêm sản phẩm mới để làm phong phú thực đơn”, Thuỳ Linh chia sẻ.
Nữ sinh viên cũng tin tưởng với sản phẩm trà vỏ cà phê có hương vị mới lạ và lượng cafein thấp, nhiều chất chống ôxi hóa, được sản xuất với công thức ướp hương sen và nhài, kết hợp cùng hương trái cây nhiệt đới sẽ là một thức uống mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ, là thức uống cao cấp cho thế giới.
Hơn hết cả, điều được cô gái trẻ này nhấn mạnh đó là khi dự án được triển khai sẽ tận dụng được lượng vỏ cà phê đang bị bỏ đi hằng năm, chế biến thành sản phẩm có giá trị thương mại, sản xuất ra loại trà mới lạ với nhiều hương vị khác nhau tốt cho sức khỏe.
“Em hy vọng đưa sản phẩm trà vỏ cà phê (FUTURE CASCARA) vào thị trường đồ uống trong và ngoài nước. Giúp cho người dân trồng cà phê có thêm nguồn thu nhập”, Linh cho hay.
Cô sinh viên với tham vọng khi dự án được triển khai, trong 5 năm đầu sẽ phủ sóng sản phẩm toàn Việt Nam và một phần Đông Nam Á, còn về dài hạn sẽ đưa sản phẩm ra toàn thế giới.
Ở các nước Âu- Mỹ, trà được chế biến từ vỏ quả cà phê với tên gọi trà cascara đã trở nên phổ biến. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vỏ quả cà phê là phần dinh dưỡng nhất của quả cà phê. Theo đó phần vỏ quả khô của cà phê có lượng có vitamin, khoáng chất, axit amin thiết yếu, protein và các hợp chất hoạt tính sinh học có lợi như caffeine và polyphenol. Trong 100 gam trà vỏ cà phê chứa một lượng kali tương đương trong 6 quả chuối cùng lượng protein tương đương trong một quả trứng. Bên cạnh đó, chúng cũng có Vitamin E, Vitamin B6, Omega 3 và 6, sắt, canxi, magiê và đường tự nhiên. Đặc biệt loại thức uống này chứa caffeine hơn cà phê rang. Ngoài ra, còn chứa Polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, chống tiểu đường, chống viêm, bảo vệ tim mạch, bảo vệ thần kinh và chống virus. |
N. Huyền