“Siết” phân lô, bán nền: Sao bắt người dân mua nhà khi họ chỉ cần mua đất?
Tại sao chúng ta bắt người dân phải mua nhà ngay trong khi người ta chỉ có nhu cầu mua đất?
Ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, khi Luật Đất đai được chờ đợi sửa đổi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai, với nội dung mở rộng phạm vi không cho phép thực hiện dự án phân lô, bán nền.
Theo ông Nam, động thái này xuất phát từ tình trạng thời gian qua, có những doanh nghiệp phân lô, bán nền làm ăn không nghiêm túc, thậm chí lừa đảo. Nhưng rõ ràng, việc “siết” phân lô, bán nền như dự thảo Nghị định thể hiện tư duy không "quản" được thì "cấm", bởi lỗi không nằm trong quy định mà do năng lực quản lý của chính quyền địa phương.
Chuyên gia cho rằng, siết phân lô bán nền có nhiều bất cập (Ảnh minh họa) |
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc siết hay cấm phân lô bán nền là điều không nên.
Theo ông Thịnh, việc phân lô bán nền trong thời gian qua xảy ra nhiều vấn đề liên quan và bất ổn như tình trạng dự án “ma”, khu nhà ở hoang hóa, lãng phí đất đai, cò đất thổi giá gây xáo trộn an ninh trật tự địa phương, rối loạn hoạt động thị trường bất động sản… Vì thế, cần có giải pháp để cơ quan quản lý biết rằng nên chỉnh sửa gì để có định hướng tốt hơn.
“Chúng ta cần có quy hoạch chi tiết, tỉ mỉ cho từng địa bàn, thành phố. Ngay Hà Nội cũng phải phân quy hoạch ra, chỗ nào xây dựng chung cư, chỗ nào phân lô bán nền. Không nên cấm tất ở Hà Nội. Như ở Ba Vì, Phúc Thọ, Sóc Sơn thì phân lô bán nền mới hợp lý”, ông Thịnh nói.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc chọn chủ đầu tư đủ năng lực tài chính là điều rất quan trọng. Đặc biệt, vấn đề kiểm tra, giám sát phải được đề cao. Phải có sự kiểm tra thường xuyên liên tục, tránh sự móc nối của một số người có trách nhiệm trong cơ quan công quyền với doanh nghiệp, chủ đầu tư mà chúng ta gọi là “sân sau” trong việc chuẩn bị, xây dựng dự án.
Dẫn chứng thêm, ông Thịnh nhắc đến dự án Alibaba và cho rằng, không có hậu thuẫn phía sau thì làm sao có dự án lớn như vậy, bán được nhiều như vậy mà không có ai phát hiện ra?
PGS. TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: 5 năm tới đây mật độ xây dựng sẽ không tăng lên quá nhiều. Nếu muốn phát triển đô thị thì vẫn phải áp dụng biện pháp phân lô bán nền.
“Thị trường luôn có sự lên xuống. Năm 2013, để khôi phục lại thị trường Nhà nước đã phải sử dụng các biện pháp cho tái phân lô bán nền, tung gói cứu trợ, cho xây dựng nhà dưới 50m2. Vậy thì tại sao chúng ta bắt người dân phải mua nhà ngay trong khi người ta chỉ có nhu cầu ở giai đoạn đầu là mua đất. Phân lô bán nền là quyết định về chính sách nhưng quyết định trên cơ sở nào cũng cần có sự phân chia theo giai đoạn cho phù hợp”, ông Chung nêu quan điểm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest) chia sẻ: Khi có dự thảo về hạn chế phân lô, bán nền, doanh nghiệp rất ngạc nhiên, bởi đang mong chờ Luật Đất đai sửa đổi để tháo gỡ bớt khó khăn, nhưng nay lại siết chặt.
“Đất nền có hạ tầng là sản phẩm thương mại của bất động sản. Có đề xuất gì thì là vấn đề của Bộ Xây dựng với tác động của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chứ không phải Bộ Tài nguyên và Môi trường với Luật Đất đai”, ông Hiệp nói.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cũng cho rằng, không cần phải cấm phân lô bán nền tại các khu vực nội đô bởi trên thực tế, quỹ đất này cũng đã hết. Trong khi đó, tại các vùng đất rẻ, khu ven thì nên khuyến khích đa dạng hoá phát triển xây dựng.
Theo ông Đức, trong bối cảnh hiện nay vẫn tiếp tục phân lô bán nền, nhưng cần quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương trong giám sát và duyệt quy hoạch.
Song, ông Đức lưu ý rằng, không áp đặt phân lô bán nền không đồng nghĩa với việc cho phân lô bán nền vô tội vạ.
“Vẫn phải thống nhất quy hoạch bao nhiêu mét, chiều cao, mật độ kiến trúc cơ bản thế nào, mặt bằng ra sao... Khi phê duyệt dự án, cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần yêu cầu chủ đầu tư thống nhất về quy hoạch, song song đó vẫn phải giám sát về mặt kết cấu, kiến trúc, thậm chí cả tiến độ”, ông Đức nhấn mạnh.
Minh Thư
Hà Nội: Dự án siêu rùa, người mua đã "về với tổ tiên", nhà vẫn chưa bàn giao
Có ông bố mua nhà cho con gái nhưng chưa được nhận nhà thì ông đã qua đời; có người phải “cõng” tiền lãi vay ngân hàng đến tiền tỷ… Đó là tình cảnh đã và đang diễn ra tại dự án Hattoco Hà Đông (Hà Nội).