Sau 20/5 sẽ tiếp thu, sửa đổi và thông qua chương trình GDPT tổng thể
Sáng 4/5, trao đổi với PV báo Infonet, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho hay: “Hiện nay chưa hết thời gian góp ý cho chương trình GDPT tổng thể. Sau 20/5 chúng tôi mới tổng hợp lại và báo cáo với ban chỉ đạo chương trình và có văn bản tiếp thu giải trình chính thức trên mạng.
![]() |
GS Nguyễn Minh Thuyết |
Hàng ngày, chúng tôi vẫn cập nhật ý kiến góp ý của người dân. Vừa qua, sau khi hết nửa thời gian lấy ý kiến góp ý, chúng tôi cũng đã ngồi lại với nhau và đưa ra các định hướng. Nhưng đây cũng chỉ là dự kiến bước đầu của ban soạn thảo.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo chương trình phổ thông tổng thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cho chương trình về: Một số phẩm chất, năng lực cụ thể; số lượng môn học hay tên gọi và bản chất các môn học”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng phân tích: “Có ý kiến đề nghị bổ sung các năng lực tư duy phản biện, tư duy logic, quản lý tài chính cá nhân vào những năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh.
Về tư duy phản biện, đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt của năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo vốn đã có trong chương trình. Ví như biểu hiện của tư duy phản biện của học sinh ở các cấp học khác nhau được dự thảo chương trình tổng thể chỉ ra là: “Nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng” (học sinh tiểu học);
“Quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau” (học sinh THCS);
“Không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề” (học sinh THPT)”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, chương trình GDPT tổng thể vẫn quá nặng. Lý giải về điều này, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Chương trình GDPT tổng thể mới chỉ là bộ khung. Để đánh giá mức độ nặng nhẹ của cần phải có chương trình cụ thể của các môn học.
Hầu hết các môn học trong dự thảo chương trình tổng thể đều được phát triển trên cơ sở những môn đã có trong chương trình hiện hành. Giả sử từ lớp 1 đến lớp 3 có môn Cuộc sống quanh ta được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành.
Môn học này ta giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về các hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh chăm sóc sức khỏe cho bản thân hay biết giữ vệ sinh chung.
Lên lớp 4, lớp 5, môn học này phân hóa thành 2 môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội; ở cấp THCS là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Việc dạy học tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên là phù hợp với quá trình nhận thức của học sinh”.