Sàn TMĐT Make in Vietnam: Kênh tiêu thụ và quảng bá nông sản Việt
Tại lễ công bố và trao giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, sàn TMĐT Vỏ Sò của Viettel Post vinh dự nhận giải Vàng hạng mục nền tảng số xuất sắc.
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ Sò ra đời năm 2019 sau khi nhận thấy Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp song cách thức tiêu thụ truyền thống chưa thể nâng tầm nông sản Việt, con đường đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới chưa rộng mở.
Sau 2 năm ra đời, đã có 18 triệu khách hàng sử dụng sàn thương mại điện tử của Vỏ Sò. Theo xếp hạng của Reputa vào tháng 10/2021, Vỏ Sò đứng thứ 5 trong tốp các sàn TMĐT tại Việt Nam xếp theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội.
Thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt, năm 2021, Vỏ Sò đã đưa 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí cả những hộ tại vùng sâu, vùng xa tiếp cận TMĐT.
Tại xã Quang Thuận, Bắc Kạn, mùa quýt 2021, chỉ trong một buổi livestream bán hàng chưa đầy 30 phút tại vườn với sự hướng dẫn của nhân viên Viettel Post và Vỏ Sò, anh Nông Văn Huỳ đã bán được 300 đơn hàng trên sàn TMĐT Vỏ Sò, điều mà 30 năm trồng quýt anh chưa từng nghĩ đến.
Năm 2021 là năm thứ 2 người nông dân Bắc Kạn đưa cam, quýt lên sàn TMĐT Vỏ Sò. Năm 2020, sản lượng quýt Bắc Kạn bán trên sàn là 26 tấn thì năm nay, dù mới bắt đầu vào đầu vụ, sản lượng quýt đã đạt 4,5 tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy bà con vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số có kênh bán hàng bền vững, trực tiếp từ người bán đến người dùng.
Không chỉ dừng ở tiêu thụ sản vật trong nước, Viettel Post tham vọng đưa nông sản Việt chinh phục thị trường quốc tế qua nền tảng TMĐT Vỏ Sò. Tháng 6/2021, dưới sự hỗ trợ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Viettel Post đã xuất khẩu thí điểm thành công hơn 4 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xuất khẩu theo phương thức TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT Make in Việt Nam.
Ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra căng thẳng tại các tỉnh thành phía Nam, Vỏ Sò triển khai hình thức đi chợ hộ, bán hàng theo gói combo với mức giá bình ổn trên sàn nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh cũng như đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu tới các tỉnh, thành.
Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng cho biết: “Để chuyển đổi số nông nghiệp, đưa hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT đòi hỏi chúng tôi cần có một quá trình dài hơi đồng hành cùng họ, giúp họ làm quen với công nghệ và thay đổi tư duy. Sứ mệnh của người Viettel là tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, do đó Viettel Post và Vỏ Sò sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nông dân nâng tầm nông sản Việt cũng như tiếp tục đầu tư nhân sự và công nghệ để có thể tìm ra thêm nhiều giải pháp phát triển kinh tế số nông nghiệp nói riêng và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội nói chung”.
Trong năm 2022, Vỏ Sò sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển số lượng hộ sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình ưu đãi, đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên nền tảng sàn TMĐT, triển khai chương trình marketing hướng tới cá nhân hóa khách hàng. Tầm nhìn ở tương lai xa hơn, Vỏ Sò đặt mục tiêu trở thành sàn TMĐT số 1 về đặc sản Việt Nam, giúp kết nối nhà sản xuất và nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng nội địa lẫn quốc tế, đóng góp vào công cuộc nâng tầm giá trị nông sản Việt vươn tầm thế giới.
Ngoài Vỏ Sò, trong lễ trao giải "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2021, app ViettelPost đạt Tốp 10 Thu hẹp khoảng cách số. Từ khi ra đời năm 2016 cho đến nay, app ViettelPost không ngừng được nâng cấp, ứng dụng công nghệ mới theo hàng năm. Trung bình mỗi tháng, ứng dụng có 500.000 người dùng. Sử dụng hệ thống này, các doanh nghiệp, chủ cửa hàng có thể quản lý đơn hàng đơn giản và tiện lợi, theo dõi quá trình giao hàng, tra cứu các điểm gửi hàng của Viettel Post trên cả nước, tính cước phí chính xác, quản lý hoạt động thanh toán, đối soát công nợ.
Hiền Anh