Rủi ro khi đại gia địa ốc đua trả cổ tức bằng cổ phiếu
“Đua” phát hành cổ phiếu
Cụ thể, Tập đoàn FLC trình ĐHĐCĐ tỷ lệ trả cổ tức ở mức 10%, trong đó 3% bằng tiền và 7% bằng cổ phiếu. Trong khi đó, năm 2016 FLC đạt lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2015. Trước đó, trong năm 2016, FLC cũng đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn điều lệ với tổng vốn huy động là 1.081 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) cũng thông qua mức trả cổ tức rất cao (45%) nhưng chỉ có 10% là trả bằng tiền mặt, còn lại 35% chi trả thông qua phát hành cổ phiếu. Với tỷ lệ chi cổ tức như trên, HBC chỉ phải chi 95 tỷ đồng tiền mặt cho cổ tức 2016, còn lại 334 tỷ đồng là “tiền hơi” thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC, năm 2016 được xem là năm kinh doanh thành công vượt mong đợi với doanh thu thuần 10.766 tỷ đồng, tăng 112% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế đạt 568 tỷ đồng, tăng 586%.
Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) trả cổ tức 18% trong năm 2016 với 5% tiền mặt và 13% còn lại bằng cổ phiếu. Cụ thể, DXG sẽ phát hành gần 33 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2016, tỷ lệ thực hiện 13%. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016. Theo đó, vốn điều lệ của Công ty sau phát hành sẽ tăng thêm tương ứng khoảng 329 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DXG chỉ trả cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%.
Khác với các doanh nghiệp kể trên, Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) tỏ ra “chịu chơi” hơn khi thông qua kế hoạch chi cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc TDH cho biết, năm 2016 công ty đạt lợi nhuận sau thuế 108,3 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, cổ đông TDH cũng không vui khi công ty đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới. Tổng số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến lên đến 10,64 triệu cổ phiếu, tổng giá trị dự kiến phát hành là 106,4 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu của công ty có nguy cơ bị pha loãng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, cổ đông của các doanh nghiệp trên hẳn sẽ được an ủi phầ nào so với cổ đông của CTCP Địa ốc Nova (Novaland). Mặc dù lợi nhuận sau thuế 2016 lên đến 1,65 nghìn tỷ đồng nhưng Novaland lại không chi cổ tức năm 2016 cho cổ đông. Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland cho biết, do tình hình thị trường BĐS đang tốt nên công ty muốn dành nguồn lực tài chính để phát triển các dự án.
Trong năm 2017, cổ đông của công ty dự kiến sẽ nhận được “mưa” cổ tức bằng... cổ phiếu với việc phát hành cổ phần thưởng tối đa 2.163 tỷ đồng cho cổ đông, với tỷ lệ thực hiện tối đa 1:0,36. Nghĩa là cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần sẽ nhận được tối đa 367 cổ phiếu thưởng.
Cũng trong năm 2017, Novaland dự kiến phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi với số lượng lên đến 23 triệu cổ phiếu, giá chào bán không thấp hơn 50.000 đồng/cp, tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 1.150 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được công ty bổ sung vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định. Novaland dự kiến cổ tức bằng tiền trả hằng năm sẽ không quá 10% trên giá chào bán, tương đương 5.000 đồng/cp. Ngoài ra, Novaland cũng thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 2.275 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định.
Lợi bất cập hại
Theo bà Trần Hải Yến, chuyên viên phân tích CTCK Bảo Việt(BVSC), với việc siết tín dụng theo Thông tư 06 của ngân hàng Nhà nước, hệ số rủi ro cho các khoản vay kinh doanh bất động sản được tăng từ mức 150% lên mức 200% trong năm 2017 và 250% trong năm 2018, nguồn vốn cho vay lĩnh vực này sẽ ít nhiều bị co hẹp lại. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải tự lực, chủ động hơn bằng cách tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu nhằm có được nguồn vốn trung và dài hạn thay cho các khoản vay nợ từ ngân hàng.
Tuy nhiên, bà Yến cho rằng phương án này có thể sẽ khiến các nhà đầu tư dè dặt rót vốn vào nhóm cổ phiếu bất động sản do rủi ro pha loãng ở hiện tại trong khi hiệu quả sử dụng vốn lại là vấn đề trong tương lai. Đó còn chưa kể đến việc nắm giữ quá nhiều cổ phiếu sẽ gây ra khó khăn trong việc bán ra nếu thanh khoản của cổ phiếu đó thấp.
Về bản chất, cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng bằng cổ phiếu chính là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu và nó không hề phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào giúp doanh nghiệp gia tăng nội lực của mình. Về mặt lý thuyết, tài sản của nhà đầu tư tăng thêm giá trị, nhưng thực sự giá trị họ nhận được chẳng là gì hơn ngoài “tiền ảo”.
Theo Luật sư Huy Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC, do không có quyền định đoạt và hoàn toàn bị động, nhà đầu tư mặc nhiên đứng trước rủi ro về cơ hội khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi, ngoài việc bị “tạm giam” một phần tài sản, họ có thể còn chịu thiệt với số cổ phiếu bị giam kia trong điều kiện giá xuống. Trong khi đó, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thường là do doanh nghiệp “túng thiếu” nên giá dễ bị giảm, ngoại trừ một ít trường hợp rất đặc biệt.
Hơn nữa, mệnh giá tại Việt Nam lại bị chốt cứng 10.000 đồng, nên nhà đầu tư mặc nhiên “bị ép” phải nhận cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường nếu như cổ phiếu đó đang được giao dịch dưới 10.000 đồng/cp.