Rầm rộ tuyển người đầu năm, ngân hàng cũng phải đi 'săn'
Mỗi năm, sau dịp Tết Nguyên đán là "thị trường chuyển nhượng" giữa các ngân hàng lại trở nên sôi động. Nhóm các ngân hàng Big4 vẫn luôn là điểm đến yêu thích của các ứng viên.
Giới banker (nhân viên ngân hàng) và những người có mong ước được trở thành banker đang háo hức với đợt tuyển dụng đợt 1/2021 diễn ra vào cuối tháng 3 này của Vietinbank với quy mô toàn quốc cho các chi nhánh.
Theo đó, trong đợt này, Vietinbank tuyển dụng 609 chỉ tiêu tại 83 chi nhánh. Trong số đó, chỉ có 5 chỉ tiêu cho cán bộ quản lý cấp trưởng/phó phòng khách hàng doanh nghiệp phục vụ khối doanh nghiệp FDI. 604 chỉ tiêu còn lại tập trung chủ yếu vào các vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng bán lẻ. Mới đây nhất, ngày 17/3, Vietinbank tiếp tục thông báo tuyển dụng 64 vị trí tại 14 phòng, ban và các đơn vị trụ sở chính.
Cũng giống như Vietinbank, Vietcombank cũng là nơi mơ ước đối với các banker bởi ngoài môi trường làm việc thì mức lương thưởng của ngân hàng này hấp dẫn nhất trong giới ngân hàng. Hiện tại, ngân hàng mới chỉ đăng các thông báo tuyển dụng lẻ cho các chi nhánh. Trong đó, Vietcombank tập trung chủ yếu cho việc chiêu mộ chuyên viên quan hệ khách hàng, nhân viên kế toán, giao dịch viên cho các chi nhánh.
Cũng trong quý 1/2021, BIDV tuyển dụng 127 nhân sự (trong đó có 110 chuyên viên tín dụng) cho các chi nhánh/phòng giao dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong nhóm Big4 nhưng Agribank là ngân hàng có rất ít thông tin tuyển dụng được công bố công khai. Agribank từng gây xôn xao dư luận khi trở thành ngân hàng đầu tiên công khai tuyên bố ưu tiên tuyển dụng con em trong nhà của CBNV.
Khác với khối các ngân hàng TMCP, nhóm các Big4 chỉ tuyển dụng theo đợt trong năm. Thông thường 2-3 đợt/năm, có thể có ngân hàng tuyển 4-5 đợt nếu chưa tuyển đủ trong những đợt trước đó. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có những chính sách tuyển dụng khác nhau.
Trên mạng xã hội Facebook thậm chí đã có hẳn một diễn đàn quy tụ hơn 100 nghìn thành viên chuyên chia sẻ về các chỉ tiêu tuyển dụng của các ngân hàng. Những hướng dẫn cụ thể trong việc làm hồ sơ, những đề thi mẫu,… cũng được chia sẻ. Thậm chí có cả các lớp luyện thi online cho các thành viên để chuẩn bị cho việc “nhảy việc” thành công. Thời điểm hiện tại, việc luyện thi vào Vietinbank vẫn là đề tài nóng nhất trên diễn đàn này.
Trong thông báo tuyển dụng mới đây của Vietinbank, ngân hàng yêu cầu ứng viên phải có bằng đại học và tối thiểu 3 năm kinh nghiệm.
Trong khi đó, BIDV lại có chính sách tuyển dụng khá cởi mở. Ngoài chương trình tuyển dụng dành cho chuyên gia và người có kinh nghiệm, BIDV còn áp dụng các chương trình tuyển dụng dành cho sinh viên thực tập; chương trình tuyển dụng dành cho người mới tốt nghiệp. Hiện đã có 617 người trong tổng số hàng nghìn người vượt qua vòng sơ loại để tham gia cuộc chạy đua này.
BIDV cho hay, ứng viên được xem xét đặc cách vào vòng phỏng vấn nếu tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại 7 trường đại học bao gồm: Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; Học viện Ngân hàng; Học viện Tài chính; Đại học Ngân hàng TP.HCM; Đại học Kinh tế TP.HCM; Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại thương. Trường hợp ứng viên là sinh viên năm cuối đang chờ lấy bằng phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học loại xuất sắc.
Ngoài ra, ứng viên có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên tại các tổ chức tín dụng cũng được “ưu tiên” vào thẳng vòng… phỏng vấn.
Theo thống kê của Infonet, trong số các ngân hàng có biến động mạnh nhất về số lượng CBNV năm 2020, ngoài Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) tăng thêm 2.300 người, lên 9.226 người tại thời điểm 31/12/2020, Vietcombank cũng là một trong số ít các ngân hàng có biến động lớn về nhân sự với mức tăng thêm 1.100 người lên 19.518 người.
Tiếp theo là LienVietPost Bank tăng thêm 762 người lên 9.946 người; BIDV tăng thêm 646 người lên 24.362 người; Techcombank tăng thêm 609 người lên 11.148 người; Vietinbank tăng 233 người lên 22.564 người.
Có 5 ngân hàng ghi nhận mức giảm về nhân sự so với năm trước, trong đó đáng kể nhất là Eximbank giảm 783 người, còn 5.508 người; MB giảm 365 người còn 9.418 người. Các ngân hàng còn lại gần như không có biến động lớn về số lượng nhân sự.
Ngân Giang
Chuyện hiểu lầm về các ngân hàng Việt, khách cũng lắc đầu khó đỡ
Tại Việt Nam, hiện có 49 ngân hàng, trong đó có 31 ngân hàng TMCP, 4 ngân hàng 100% vốn nhà nước, 2 ngân hàng chính sách, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 1 ngân hàng hợp tác xã.