Quảng Ninh: Từ nông thôn mới tới nông thôn tiên tiến
Theo báo cáo của Ban Xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh, Sau 5 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra một làn gió mới, diện mạo mới cho vùng nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh. Chương trình thật sự đã khiến bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt và người nông dân đã từng bước thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Ngày càng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, sản phẩm nông nghiệp của nông dân khiến đời sống người nông dân không chỉ thoát nghèo mà vươn lên làm giàu bền vững |
Những nông dân triệu phú, những mô hình sản xuất tiên tiến đã được áp dụng và thành công ngày cảng nhiều. Sản phẩm từ chương trình nông thôn mới không chỉ là điện, đường, trường, trạm, y tế và sức khoẻ mà chính là những sản phẩm mang dấu ấn của địa phương ngày càng bay xa để đưa nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu thật sự. NTM không phải là những hình ảnh mướt mát bên ngoài mà chính là tận sâu bên trong mỗi gia đình ở nông thôn thay đổi từ tư duy tới chính cuộc sống ngày một ấm no của chính những người nông dân… Chương trình nông thôn mới không chỉ khiến diện mạo các vùng quê đổi mới, thay đổi mà đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt. Theo khảo sát, sau 5 năm mức thu nhập của người dân khu vực nông thôn đã tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên trên 29,5 triệu đồng/năm (năm 2015), gấp gần 2,7 lần…
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 2020 trở thành tỉnh công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, tỉnh này luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông là một trong những quan tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển của tỉnh. Ngay từ năm 2010, tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai chương trình nông thôn mới trên 125/125 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện và chỉ đạo thực hiện ở tất cả các tiêu chí. 100% các địa phương trên toàn tỉnh đều quyết liệt triển khai và đặt lộ trình cụ thể trong xây dựng NTM.
Đến nay toàn tỉnh đã có 79 xã cơ bản đạt tiêu chí xã NTM, 5 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí NTM (trong đó có TX Đông Triều đạt chuẩn). Hiện, toàn tỉnh đã đạt 15,17 tiêu chí/xã và 33,74 chỉ tiêu/xã; số xã đạt chuẩn NTM của Quảng Ninh cao hơn so với mức bình quân chung cả nước và không có xã nào chỉ đạt dưới 5 tiêu chí.
Tất cả cho nông thôn mới và vì nông dân
Thành công của chương trình nông thôn mới tại Quảng Ninh không chỉ đánh dấu cho một nhiệm kỳ mà là tiền đề để tỉnh này bứt phá và hoàn thành chương trình nông thôn mới trong những năm tiếp theo. Báo cáo cũng chỉ rõ, những kết quả đáng tự hào sau 5 năm xây dựng NTM là vì tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong xây dựng NTM.
Trong tổng nguồn vốn huy động trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là trên 57.700 tỷ đồng thì riêng nguồn vốn xã hội hoá là gần 12.900 tỷ đồng, chiếm trên 22%. Quảng Ninh không chỉ dành nguồn lực cho NTM mà kêu gọi cả cộng đồng chung sức xây dựng NTM. Phong trào này đã được các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể và các địa phương triển khai sáng tạo, chủ động bằng các chương trình hành động thiết thực.
Các đoàn thể trực tiếp đăng ký, trực tiếp thực hiện các nhóm tiêu chí xây dựng hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ gần 12.700 tấn xi măng, hơn 1,5 triệu viên gạch chỉ, 2.000m2 gạch lát nền; ủng hộ trên 205 tỷ đồng xây dựng điện lưới ra huyện đảo Cô Tô; hỗ trợ giảm 10% giá các nguyên vật liệu xây dựng... Các doanh nghiệp còn góp phần đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Một thong những thuận lợi của Quảng Ninh là không chỉ được các tổ chức, doanh nghiệp ủng xây dựng NTM mà chính là sự ủng hộ của người dân thông qua việc đóng góp tiền, công sức lao động, hiến đất. Đến nay, chương trình hỗ trợ vật liệu xây dựng đã huy động được sự đóng góp cực kỳ hiệu quả của nhân dân để đầu tư được 1.210 công trình với tổng mức đầu tư 868,7 tỷ đồng.
Ông Trương Công Ngàn, nguyên Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ, chủ thể chính xây dựng NTM là nông dân. Xây dựng NTM theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ. Do đó, toàn bộ quy mô công trình, giám sát, thi công, kiểm định chất lượng đều do nhân dân tự bầu ban quản lý, họp bàn và quyết định. Từ sự chung sức, đồng lòng này, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu cơ bản đạt tỉnh NTM vào năm 2015 và hướng đến xây dựng nông thôn tiên tiến.
Nông thôn tiên tiến
Sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đã xây dựng thành công 23 thương hiệu nông sản gắn với việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Toàn tỉnh đã có 10 trên 14 huyện, thị xã, thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới; 79/82 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, bằng 96,34% kế hoạch. Đến hết năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới. Quảng Ninh cũng là tỉnh có đơn vị cấp huyện đầu tiên của Miền Bắc đạt chuẩn nông thôn mới, đó chính là TX Đông Triều.
Chưa dừng lại ở đó, để xây dựng nông thôn mới không chỉ là một phong trào, một cuộc vận động lớn, để nông thôn mới phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng và phát triển mang tính bền vững, Quảng Ninh đang triển khai thí điểm mô hình “nông thôn tiên tiến” tại TX. Đông Triều. "Nông thôn tiên tiến" cũng là mô hình độc đáo, riêng có của Quảng Ninh.
Với những kết quả nổi bật qua 5 năm triển khai chương trình, giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, Quảng Ninh phấn đấu trên 80% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí chuẩn về nông thôn mới; các xã còn lại đạt tiêu chuẩn nông thôn mới về tiêu chí phát triển cơ sở hạ tầng, thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Mô hình "nông thôn tiên tiến" sẽ thành công sau thí điểm và được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh để nông thôn mới thực sự bền vững.
Theo đó, đối với những xã đã đạt chuẩn NTM sẽ tiếp tục nâng cao về chất trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu để phấn đấu đạt xã nông thôn tiên tiến. Bên cạnh đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển sản xuất trên cơ sở đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chương trình OCOP để có nhiều sản phẩm mang thương hiệu địa phương và phát triển theo hình thức sản xuất hàng hóa nhằm đạt mục tiêu quan trọng nhất là tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân…
Những chỉ tiêu chính trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là xây dựng 111 xã NTM. Gồm 104/111 xã đạt chuẩn (trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn tiên tiến; 35 xã xây dựng nông thôn tiên tiến).
Xây dựng 9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn; 1 huyện cơ bản đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 1,4% trong cơ cấu GDP của tỉnh. Giá trị tăng thêm toàn ngành tăng bình quân 5-8%. Nâng cao thu nhập của người dân nông thôn gấp 2 lần so với thu nhập đầu người khu vực nông thôn của tỉnh năm 2015 (tương đương 3.000USD theo tỷ giá hiện hành năm 2015). Tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 98%, trong đó số xã có nước sạch/nước hợp vệ sinh đạt từ 50% trở lên. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 33.000 người; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tin học, quản lý nhà nước, lý luận chính trị cho 11.600 lượt cán bộ, công chức xã. Phấn đấu đưa 22 xã đặc biệt khó khăn ra khỏi diện xã khu vực III, trong đó có ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí và đạt chuẩn các tiêu chí.